Lực cầu đỡ nhóm bluechip, thị trường thu hẹp đà giảm trong phiên chiều 16/4

Lực cầu đỡ nhóm bluechip, thị trường thu hẹp đà giảm trong phiên chiều 16/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có nhịp hồi phục đáng kể lên gần tham chiếu về cuối phiên, nhưng sức bật chủ yếu đến từ một số bluechip và điều này diễn ra ngay trước phiên đáo hạn phái sinh khiến độ tin cậy có phần giảm sút, nhà đầu tư vẫn cần phải lưu ý về diễn biến chỉ số VN30-Index vào ngày mai.

Sau phiên sáng giảm gần 10 điểm với áp lực bán dâng cao về cuối phiên, thị trường bước vào phiên chiều với nỗi lo gia tăng. Chỉ số VN-Index theo đó tiếp tục suy yếu khi nhóm bluechip rơi nhanh thủng mốc 1.200 điểm và có thời điểm đã giảm về gần 1.192 điểm, tương đương mất gần 25 điểm so với giá tham chiếu.

Nhưng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm thêm một lần phát huy tác dụng, khi giúp lực cầu nhập cuộc, dù không quá lớn nhưng cũng đủ giúp VN-Index dần hồi phục và đã chạm gần tham chiếu khi đóng cửa, dù đà đi lên tương đối khó nhọc bởi chủ yếu nhờ nhóm VN30 bớt tiêu cực hơn.

Với diễn biến hiện tại, có thể thị trường sẽ có thêm phiên hồi phục, nhưng nếu diễn ra trong phiên ngày mai thì xác suất chưa được đánh giá cao, bởi trùng với ngày đáo hạn phái sinh, khả năng VN30 sẽ lại tạo bất ngờ không mong muốn cần phải được tính đến.

Đóng cửa, sàn HOSE có 140 mã tăng và 361 mã giảm, VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,08%), xuống 1.125,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,35 tỷ đơn vị, giá trị 30.325,8 tỷ đồng, giảm hơn 7% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 140,5 triệu đơn vị, giá trị 3.063 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã trở nên cân bằng hơn, thậm chí chỉ số VN30-Index còn đóng cửa trong sắc xanh, khi những cái tên là gánh nặng lớn trong phiên sáng như VIC, MSN, MWG đều thu hẹp đáng kể đà giảm, trong khi số mã tăng cũng gia tăng thêm đôi chút.

Theo đó, VIC từ mức giảm sâu 5% đã chỉ còn -1,3% xuống 46.400 đồng khi kết phiên. Cổ phiếu MSN từ mức đáy mất gần 3,5% đã chỉ còn -1,2% xuống 66.100 đồng. Cổ phiếu đáng chú ý khác là SSB khi có thời điểm giảm sàn cũng chỉ còn -0,9% xuống 22.150 đồng, trong khi MWG còn về được tham chiếu tại 49.900 đồng.

Các mã giảm khác chỉ còn POW và BCM khi mất hơn 2% đôi chút, VNM giảm 1,3%, VRE mất 1,3%, VCB giảm 1,1%...

Ở chiều ngược lại, TCB và MBB nhích hơn 2% lên 45.550 đồng và 23.900 đồng và là hai mã tăng tốt nhất nhóm. Các cổ phiếu ACB, BID, FPT, SHB, CTG, GVR tăng 1% đến 1,9%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ghi nhận một số cổ phiếu đầu cơ nhận lực cầu mạnh với SMC và QBS tăng kịch trần lên 10.700 đồng và 1.310 đồng, khớp lần lượt 1,66 triệu và 1,67 triệu đơn vị.

Tăng khá còn có YEG +5,5% lên 9.480 đồng, CTS +5,4% lên 39.750 đồng, PVT +4,6% lên 25.100 đồng, QCG +4,3% lên 15.650 đồng, LPB +4% lên 19.450 đồng. Các mã HPX, DGC, BAF, IJC, SIP, HDC, PVP, NAF, CTR, TV2, NTL, DRC, HHP tăng từ 2% đến hơn 3%.

Mặc dù vậy, sức ép vẫn còn khá lớn ở nhiều cổ phiếu khác, chủ yếu vẫn là các mã bất động sản, xây dựng với FIR giảm sàn về 7.430 đồng. Các cổ phiếu BCG, TDH, VCG, HHV, DXG, TCD, NVL, HTN, ITA, FCN, DC4, ITC, DXS, OGC, NHA, ASM vẫn còn giảm từ 4% đến hơn 6% và không ít giảm 3-4% như SCR, AGG, HHS, TDC, VNE, DRH,, LCG, DIG, GEX, CCL, HQC, HDC…

Cùng với đó, một số cổ phiếu như ST8, PSH, TSC và POM đóng cửa ở giá sàn. Trong đó, PSH và POM còn dư bán sàn hơn 2,26 triệu và 2,69 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đã đảo chiều tăng điểm giúp HNX-Index thu hẹp đà giảm và đóng cửa cũng chỉ còn mất điểm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 129 mã giảm, HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,38%), xuống 228,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 134,7 triệu đơn vị, giá trị 2.578,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,07 triệu đơn vị, giá trị 114,4 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHS, PVS, MBS, HUT, VCS, TNG đều đã đảo chiều tăng, dù mức tăng cũng chỉ trên dưới 1,5%.

Đáng kể là VGS khi +6,8% lên 28.400 đồng, các mã LAS, DVM, PVC, PVB cũng kết phiên trong sắc xanh.

Các mã giảm ngoài IDJ vẫn còn mất điểm khá mạnh -7,8% xuống 4.700 đồng, thì CEO, MST, DL1, DDG giảm hơn 2% MST và NRC mất trên dưới 4%.

Thanh khoản phiên này cao nhất vẫn là SHS khi có hơn 38,1 triệu đơn vị, CEO khớp 19 triệu đơn vị và PVS khớp 10,88 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã hướng về được gần tham chiếu ở những phút cuối khi nhiều cổ phiếu hãm bớt đà rơi.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,39%), xuống 88,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,2 triệu đơn vị, giá trị 581,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 6,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH thu hút nhà đầu tư nhất khi khớp lệnh vượt trội với hơn 14,4 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu biến động mạnh, có lúc tăng trần, giảm sàn, trước khi đóng cửa -10,4% xuống 4.300 đồng.

Cổ phiếu BSR chỉ còn mất 2% xuống 19.200 đồng, khớp lệnh hơn 6,97 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều cũng đã thu hẹp đà giảm. Trong đó, VN30F2404 đáo hạn vào phiên ngày mai giảm 6,3 điểm, tương đương -0,51% xuống 1.230 điểm, khớp lệnh hơn 385.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ phần nào vẫn chiếm ưu thế, nhưng mã khớp lệnh cao nhất là CTSB2322 với 3,94 triệu đơn vị đã về tham chiếu tại 80 đồng/cq.

Tin bài liên quan