Lực bán duy trì ở mức cao, thị trường giảm về gần 1.130 điểm

Lực bán duy trì ở mức cao, thị trường giảm về gần 1.130 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực call margin, cùng tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khiến VN-Index giảm gần 78 điểm, lùi về gần 1.130 điểm trong phiên hôm nay (8/4), ngay cả khi nhiều thị trường khu vực vốn có định hướng xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những tín hiệu hồi tích cực.

Áp lực bán xuyên suốt phiên giao dịch khiến các chỉ số không thể phục hồi, thậm chí thêm nhiều mã giảm sàn trong phiên chiều đã khiến VN-Index rơi trở lại ngưỡng 1.135 điểm và giao dịch đầy khó nhọc trong vùng điểm này trước khi nới thêm đôi chút đà giảm trong phiên ATC và chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2024.

Điểm đáng chú ý là lượng hàng T+ phiên lao dốc ngày 3/4 về tài khoản, nhưng thanh khoản không gia tăng quá đáng kể. Điều này có thể do phần lớn nhà đầu tư bớt bi quan, có kỳ vọng cao hơn về đà hồi phục sắp tới và đã nắm chặt hàng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 11 mã tăng và 506 mã giảm (265 mã giảm sàn), VN-Index giảm 77,88 điểm (-6,43%), xuống 1.132,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,16 tỷ đơn vị, giá trị 25.303 tỷ đồng, giảm hơn 41% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên thứ Sáu tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 108,5 triệu đơn vị, giá trị 2.462 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chịu sức ép lớn hơn khi toàn bộ đều giảm, trong đó có tới 24 mã giảm sàn.

Hai cổ phiếu thoát hiểm là SSB và SAB khi chỉ để mất 1,04% và 1,73%. Bốn mã theo sau dù không giảm sàn, nhưng vẫn để mất điểm lớn, với VJC, LPB, VIC, VHM khi giảm 4,3% đến 6,56%.

Lực bán gia tăng ở nhóm bluechip cũng đã khiến nhiều cổ phiếu ở nhóm này vươn lên trở thành cũng mã khớp lệnh cao nhất thị trường, với đa số là các cổ phiếu ngân hàng cùng SSI và HPG. Theo đó, VPB, TPB, SSI, TCB, HPG, ACB, STB, MBB, SHB khớp từ 24,69 triệu đến hơn 68,9 triệu đơn vị và dư bán sàn duy trì ở mức cao.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng không thêm diễn biến mới nào đáng kể khi giảm thêm đôi chút so với cuối phiên sáng và bò ngang quanh mức đáy sau đó cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 18 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 15,93 điểm (-7,34%), xuống 201,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84 triệu đơn vị, giá trị 1.178,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,54 triệu đơn vị, giá trị 106,8 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn nhỏ trong các cổ phiếu khớp lệnh cao nhất đều đã lùi về giá sàn, như IDJ, TVC, HUT, MST, PVS, MBS, CEO, SHS. Trong đó, SHS khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại khi có hơn 17,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nới thêm đà giảm trong phiên chiều và có nhịp thu hẹp đôi chút đà đi xuống vào cuối ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 6,63 điểm (-7,28%), xuống 84,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80,9 triệu đơn vị, giá trị 895,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,95 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đua nhau giảm sàn hoặc nới rộng đà giảm, với BVB, HNG, ABB khớp lệnh cao nhất khi có từ 4,6 triệu đến hơn 7 triệu đơn vị. Trong đó, ABB chỉ giảm hơn 5,6%, còn HNG mất gần 10% và BVB giảm hơn 13% xuống 10.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm hết biên độ. Trong đó, VN30F2504 giảm 88,6 điểm, tương đương -6,99% xuống 1.178,5 điểm, khớp lệnh hơn 378.600 đơn vị, khối lượng mở gần 44.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, đà giảm mạnh ở hầu hết các mã, với CACB2403 phiên này thanh khoản cao nhất khi có 4,8 triệu đơn vị và mất 37,5% xuống 50 đồng/cq. Theo sau là CMBB2502 với 3,82 triệu đơn vị và giảm 51,2% xuống 600 đồng/cq.

Tin bài liên quan