Sau phiên sáng bật hồi nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều đã ngay lập tức giảm điểm khi áp lực cung gia tăng và khiến VN-Index lùi về giằng co quanh 1.035 điểm trước thời điểm 14h00’.
“Khung giờ ác mộng” này tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư, khi lệnh bán giá thấp được tung vào khiến một số mã lớn nới đà giảm và không ít mã khác trên bảng điện tử đã giảm sàn, VN-Index theo đó có nhịp lao khá mạnh và về gần 1.025 điểm rất nhanh. Tuy nhiên, tại ngưỡng điểm này lực cầu bắt đáy đã bất ngờ gia tăng và kéo chỉ số tăng nhanh hơn 10 điểm.
Tưởng chừng đà bán tháo sẽ được chặn lại, nhưng dường như đây chỉ là nhịp “bull trap” và chỉ số đã thêm một lần đổ đèo về lại gần 1.025 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm trong phiên ATC.
Đóng cửa, sàn HOSE có 66 mã tăng và 448 mã giảm (52 mã giảm sàn), VN-Index giảm 14,21 điểm (-1,36%), xuống 1.028,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 755,5 triệu đơn vị, giá trị 14.881,7 tỷ đồng, tăng hơn 41% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 50 triệu đơn vị, giá trị 1.250 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung trong tháng 10 này, VN-Index đã đánh rơi gần 126 điểm, tương đương -10,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Nhóm cổ phiếu bluechip giảm sâu nhất trong phiên này phải kể đến MWG, khi là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 giảm sàn -6,9% xuống 37.700 đồng, khớp hơn 13,2 triệu đơn vị.
Theo sau là SAB -6,7% xuống 56.700 đồng, SSI -6,4% xuống 25.750 đồng, GVR -6,1% xuống 16.900 đồng, VRE -3,9% xuống 22.200 đồng. Các mã BID, POW, FPT, VIC, PLX giảm từ 2% đến 2,9%, còn lại may mắn chỉ giảm nhẹ như SHB, VHM, BVH, TPB, TCB, BCM với mức giảm từ 0,5% đến 1,95%.
Trong đó, SSI vươn lên khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường với hơn 36,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các sắc xanh với SSB và VIB tăng tốt nhất nhưng cũng chỉ nhích gần 2%, không đủ sức gánh chỉ số, VCB giúp chặn đà giảm của thị trường với mức tăng 1,1% lên 86.800 đồng, các cổ phiếu CTG, MSN, ACB, VPB, VNM, VJC dù đảo chiều tăng, nhưng mức tăng chỉ ở mức thấp.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DLG là cổ phiếu tích cực nhất khi trở lại mức giá trần +6,8% lên 2.030 đồng, khớp 6,59 triệu đơn vị. Các mã PNC, SPM cũng tăng trần, còn HU1, DTL, SRC, CCI, HRC tăng mạnh, nhưng đều thanh khoản thấp.
Trái lại, nhiều cổ phiếu bị đẩy về giá sàn, với HQC, TCD, VNE, TV2, FIT, TNT, VGC, TDC, PDR, KPF, TCH, SZC, GEX ở nhóm bất động sản, xây dựng, các mã FTS, VCI ở nhóm công ty chứng khoán, nhóm xuất khẩu, nông nghiệp, vận tải, bán lẻ, dầu khí với HAH, IDI, DBC, ABT, LSS, DGW, PSH, PVT, MCH, GIL, DGW…Mất hơn 6% còn AGR, LCG, ITC, HCM, TMS, HHS, FCM, VHC, IDJ, BCG, MSH, NHH.
Trong đó, những PVT, TCH, PDR, GEX thuộc top thanh khoản cao nhất sàn với 9,2 triệu đến hơn 21 triệu đơn vị khớp lệnh. Ở phía trên, các cổ phiếu VIX, VND giảm sâu 4% đến gần 6%, khớp 36 triệu và 27,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực bán cũng đã dần gia tăng mạnh khiến HNX-Index tìm về các mức thấp hơn trong phiên, trước khi thu hẹp đôi chút đà đi xuống ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 37 mã tăng và 131 mã giảm, HNX-Index giảm 5,17 điểm (-2,44%), xuống 206,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 102,6 triệu đơn vị, giá trị 1.814,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,82 triệu đơn vị, giá trị 98,2 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn, nhỏ đua nhau nới đà giảm, với TTH, VC7, CMS, C69, IVS giảm sàn, cổ phiếu DTD -9% xuống 18.200 đồng, MBS -7% xuống 16.000 đồng, PVC -6,7% xuống 12.500 đồng, SHS -6,5% xuống 12.900 đồng, các mã PVS, HUT, AMV, DDG giảm hơn 5%.
Phiên này, cổ phiếu SHS vẫn là cái tên thu hút giao dịch nhất với hơn 34,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Sắc xanh le lói tại CEO +0,5% lên 19.700 đồng và TKG vẫn giữ vững sắc tím +9,5% lên 8.100 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lao dốc mạnh và cũng chỉ kịp thu hẹp đôi chút đà đi xuống ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,35 điểm (-1,64%), xuống 80,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 513,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,86 triệu đơn vị, giá trị 17,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu LTG trở lại mức giá sàn -14,9% xuống 23.400 đồng, khớp lệnh hơn 1,35 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong số những mã thanh khoản cao cũng đều chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ BOT +2,9% lên 3.500 đồng, khớp 2,43 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR -4,4% xuống 17.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có hơn 10,4 triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2307 khớp lệnh đột biến và bỏ xa phần còn lại với gần 7 triệu đơn vị, giá giảm 19% xuống 130 đồng/cq. Theo sau là CHPG2324 với 2,99 triệu đơn vị và cũng giảm mạnh gần 12% xuống 150 đồng/cq.