Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Phạm Đức Long thông tin điểm mới của Luật Viễn thông.
Ba dịch vụ mới được điều chỉnh tại Luật Viễn thông mới là dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.
Luật Viễn thông mới mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới và việc quản lý các dịch vụ này được thực hiện theo cách tiếp cận “quản lý nhẹ” ở mức độ phù hợp.
Sáng 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, trong đó có Luật Viễn thông năm 2023.
Thông tin các nội dung mới của luật, Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Phạm Đức Long cho biết, so với Luật năm 2009, luật mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Theo ông Long, việc quản lý các dịch vụ mới nói trên được thực hiện theo cách tiếp cận “quản lý nhẹ” ở mức độ phù hợp, có độ mở, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh và tạo thuận lợi cho các dịch vụ phát triển.
Việc quản lý dựa trên quan điểm cùng loại hình dịch vụ thì đều cần quản lý, quản lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới.
“Quản lý nhẹ” để vừa thúc đẩy các dịch vụ mới phát triển, vừa đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, ông Long nêu rõ.
Trên cơ sở quan điểm “quản lý nhẹ”, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà nước không hạn chế tỷ lệ sở hữu người đầu tư kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới được giảm bớt một số nghĩa vụ so với doanh nghiệp viễn thông truyền thống (không phải đóng quỹ dịch vụ viễn thông công ích, phí quyền hoạt động viễn thông…).
Việc cung cấp các dịch vụ mới được thực hiện theo hình thức đăng ký hoặc thông báo, không phải cấp phép để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, đáp ứng việc tuân thủ quy định mới, Luật mới quy định thời điểm hiệu lực của các quy định quản lý ba dịch vụ mới từ ngày 1/1/2025.
Về phát triển hạ tầng viễn thông, điểm mới được Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết là bỏ một số quy định như: cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công (đất công, trụ sở làm việc công...); hoàn thiện quy định sử dụng chung hạ tầng liên ngành giữa viễn thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, chiếu sáng công cộng...; bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng... trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông; viễn thông; bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, bộ, ngành liên quan trong việc xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ, Luật Viễn thông năm 2009 đã có quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá.
Khắc phục các vướng mắc này, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet.
Trả lời câu hỏi của báo chí về quản lý sim rác, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, đây là vấn đề tồn tại qua nhiều thời gian, thời kỳ. Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng Cơ sở cơ sở luật quốc gia về dân cư đã chuẩn hóa thông tin thuê bao, "nhưng có đúng chính chủ hay không thì cần phải một thời gian nữa để chúng ta cùng đối soát, làm sạch".
Theo Thứ trưởng, trước đây không có quy định về trách nhiệm của nhà mạng cũng như trách nhiệm của người dân trong xử lý thông tin thuê bao.
Thời gian qua, khi Bộ Thông tin và truyền thông quản lý chặt về đăng ký thông tin thuê bao thì phải cập nhật, đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, có tình trạng một số người dân được thuê đi đăng ký thông tin thuê bao. Sau đó đối soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hoàn toàn đúng, không có gì sai, "chỉ có điều đây không phải là người sử dụng mà đang lạm dụng".
Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không biết được thông tin thuê bao có đúng hay không. Bây giờ có rồi ta kiểm soát được. Và đăng ký online thuê bao phải đối soát, phải nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt thì mới làm được. Nhưng vẫn còn tình trạng lạm dụng, người dân được thuê đi ra ngoài đứng tên đăng ký thông tin thuê bao. Như vậy vẫn còn tình trạng sim không chính chủ tràn lan, Thứ trưởng nói.
Trong Luật Viễn thông lần này có quy định thêm trách nhiệm của người dân, không sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác (trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký). Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng, trước đây chỉ lưu trữ đủ để hồ sơ, giấy tờ không có xác thực nhưng hiện nay thì nhà mạng cùng tham gia, đồng hành để xác thực thông tin thuê bao.
Thứ trưởng Long cũng khẳng định khi có sự kết hợp trách nhiệm của người dân, trách nhiệm của nhà mạng thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề sim rác trong gian tới.
Gồm 10 chương, 73 điều, Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.