Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Quốc hội  - (Ảnh QK)

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Quốc hội - (Ảnh QK)

Luật về hộ kinh doanh không điều chỉnh “bà bán nước, ông bán chè“

Đưa hộ kinh doanh vào luật thì chỉ điều chỉnh 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, chứ không điều chỉnh các hộ kinh doanh nhỏ như bà bán nước, ông bán chè, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáng 22/5 tại Quốc hội.

Trước đó, như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã thông tin, đại biểu Vũ Tiến Lộc là một trong số ít các vị đại biểu Quốc hội kiên trì bảo vệ quan điểm cần đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến cho rằng cần ban hành luật riêng cho hơn 5 triệu hộ kinh doanh nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ để cả hai phương án xin ý kiến đại biểu.

Trong khi chưa biết Quốc hội sẽ chọn phương án nào, Chủ tịch VCCI tiếp tục đề nghị sớm đưa hộ kinh doanh vào luật. Vì, theo quy định của pháp luật dân sự thì hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân mà hộ kinh doanh buộc phải triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các giao dịch dân sự thông qua vai trò của người đại diện.

Trên thực tế thì các cơ quan thuế, các ngân hàng cũng không giao dịch với hộ kinh doanh, họ chỉ có thể giao dịch với các cá nhân. Các hộ kinh doanh không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng mà chỉ tiếp cận qua các cá nhân của hộ kinh doanh đó. Cơ quan thuế cũng cần phải có một người đại diện và chỉ người đại diện đó chịu trách nhiệm trong các quan hệ giao dịch với cơ quan thuế . Các đối tác, khách hàng thì cũng chỉ công nhận một người đại diện và người đó với tư cách cá nhân của họ cho nên trên thực tế vai trò pháp nhân của hộ kinh doanh không có nữa, ông Lộc phân tích.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp lần này thì rất thuận lợi cho việc quy các hộ kinh doanh vào hình thức doanh nghiệp một chủ, tức là các cá nhân kinh doanh thì giải quyết ngay được vấn đề địa vị pháp lý của hộ kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

"Nếu trong trường hợp Quốc hội vẫn quyết định sẽ làm bộ luật chung về hộ kinh doanh thì tôi đề nghị bổ sung luật về hộ kinh doanh vào trong Chương trình xây dựng pháp luật của năm 2021, bởi vì đây là một khu vực liên quan đến 30% GDP", ông Lộc phát biểu.

Sau đó, Chủ tịch VCCI cũng nói rõ hơn, là luật chỉ điều chỉnh 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, chứ không điều chỉnh các hộ kinh doanh nhỏ như bà bán nước, ông bán chè...

Vì thế, cần phải có ngay khung khổ pháp lý và hướng dẫn chặt chẽ cho khu vực hộ kinh doanh có đăng ký để đảm bảo quyền lợi của họ, để thúc đẩy sự phát triển của họ.

"Luật về hộ kinh doanh cũng phải được đưa vào ngay trong Chương trình xây dựng pháp luật ở Quốc hội để không bỏ rơi khu vực này, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực này", ông Lộc nhấn lại đề nghị của mình.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động theo loại hình này.

"Thưa Quốc hội, hiện nay có rất nhiều các hộ kinh doanh có quy mô rất lớn, chúng ta chỉ khống chế là được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỷ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, thuế khoán chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp để chúng ta có thể quản lý", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Tin bài liên quan