Bến cảng Cái Rồng thuộc huyện đảo Vân Đồn, một trong ba đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt dự kiến được thành lập.

Bến cảng Cái Rồng thuộc huyện đảo Vân Đồn, một trong ba đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt dự kiến được thành lập.

Luật về đặc khu: Chờ đợi sự hoàn hảo sẽ bị chậm trễ và mất cơ hội

Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua. Nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu ở Hòn Gai-Vũng Tàu-Côn Đảo đã là 30 năm, đến lúc này đã là chậm. Trong khi trên thế giới đã làm đặc khu thế hệ thứ 2, thứ 3 thì chúng ta không thể chậm hơn được nữa.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung tại Hội thảo về Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt  vừa qua.

Muốn có đột phá không nên nặng về tiền lệ

Với tinh thần đột phá về thể chế, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã đưa 3 điểm nổi bật lớn.

Thứ nhất, về hành chính, dự thảo luật chủ trương thiết kế một mô hình chính quyền của đặc khu cùng các cơ quan nhà nước khác bảo đảm tính vượt trội.

Trong đó, đề cao trách nhiệm của cá nhân, gắn liền với sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan nhà nước, của cộng đồng và của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, về tư pháp, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thiết kế một hệ thống tư pháp lấy tòa án làm trọng tâm, trên cơ sở tổ chức 1 hệ thống tòa án nhân dân, viện kiểm soát và các cơ quan thi hành án, các cơ quan công an, quân đội cũng được tổ chức 1 cách phù hợp.

Thứ ba, về kinh tế, dự thảo luật đưa ra 7 nhóm chính sách lớn vượt trội liên quan tới thủ tục đầu tư và kinh doanh; tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; xây dựng kết cấu hạ tầng; ưu đãi đầu tư về thuế và tiền thuê đất; phát triển các ngành dịch vụ và du lịch; phát triển nguồn nhân lực và các chính sách khác. Trong đó rất nhiều ưu đãi “bỏ xa” các khung khổ pháp lý hiện hành hay thủ tục hành chính được rút gọn tối đa.

Khẳng định xây dựng đặc khu là câu chuyện không bao giờ cũ, ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) dẫn câu chuyện Ả rập Xê út (đất nước giàu có với thế mạnh dầu mỏ) vào cuối tháng 10/2017 đã đề xuất xây dựng một thành phố thông minh bên bờ Biển Đỏ trị giá 500 tỷ USD nhằm dần tránh lệ thuộc vào tài nguyên dầu mỏ.

Ông Chúc cho biết, thành phố này không còn chỗ cho những gì cổ hủ và lạc hậu, cho phép những gì sáng tạo và phát triển. Ví dụ, ở đó, có thể làm những thứ chưa từng có tiền lệ như việc cấp quyền công dân cho người máy Sophie, sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo.

Trở lại bối cảnh Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), ông Chúc cho rằng, luật cần phải có những điểm đột phá, những điểm chưa từng có tiền lệ để tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

“Dám tưởng tượng cho những thứ lâu dài trong tương lai chính là tinh thần mà Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có”, ông Chúc nhận định.

Có cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có những quy định đặc biệt vượt ra khỏi những ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng dự án luật vẫn còn ôm đồm, cần có sự rạch mạch về các mục tiêu và cách tiếp cận cân bằng hơn.

“Dường như chúng ta đang vẫn còn ôm đồm khi xây dựng chính sách, chưa xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế”, ông Thành nói.

TS Võ Trí Thành dẫn thêm ví dụ đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến của Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc thử nghiệm thể chế rất thành công.

Hiện nay, nước này tiếp tục xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

Kinh nghiệm thực tế giúp hoàn thiện thể chế

TS Võ Trí Thành cho rằng, xây dựng đặc khu, trước hết, phải đặt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển tự do các nguồn lực.

Cần có các cơ chế rõ ràng hơn về thực thi thể chế, cấu trúc quyền lực, xử lý quyền lực và giải quyết tranh chấp. Cuối cùng mới là các chính sách ưu đãi

“Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các nước vẫn tiếp tục thí điểm cơ chế mới, không nên né các cơ chế mở.

Chúng ta cần chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát”, TS Võ Trí Thành góp ý.

Một trong những điểm đột phá trong dự thảo Luật là mô hình chính quyền địa phương. Có hai phương án đang được đưa ra để lựa chọn. Một phương án là vẫn giữ nguyên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như hiện nay.

Một phương án, là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, không có HĐND và UBND – trưởng đặc khu sẽ được Thủ tướng bổ nhiệm và có quyền quyết định tổ chức toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế xã hội trên địa bàn.

Dự án Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất trong dự thảo luật sẽ trao tới 126 thẩm quyền cho Trưởng đặc khu trong đó có tới 77 thẩm quyền vốn thuộc trung ương.

Tâm đắc sự phân quyền mạnh hơn cho “trưởng đặc khu”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng nếu không trao thẩm quyền thì trưởng đặc khu cũng không khác gì chủ tịch huyện.

Trưởng đặc khu thậm chí sẽ có thể tự quyết rất nhiều vấn đề mà không cần thông qua tỉnh. Các dự án nhóm A được tự phê duyệt.

Biên chế, lương hay việc thuê chuyên gia nước ngoài cũng do trưởng đặc khu tự quyết. Trưởng đặc khu, trở thành kỹ sư trưởng của phòng thí nghiệm chính sách.

Dưới góc nhìn quốc tế, ông Patrick Tay, Phó Tổng giám đốc Phụ trách tư vấn chính sách kinh tế PWC cho rằng, khi xây dựng dự thảo Luật, Việt Nam cần quan tâm làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới sáng tạo.

Cần đảm bảo chính sách để quản lý nhưng không hình sự hóa, giảm tính quan liêu, tăng tính minh bạch tại các đặc khu.

“Không có gì là hoàn hảo, nếu quá lo xa cho sự an toàn thì các bạn sẽ không ra được luật.’’ ông Patrick Tay chia sẻ.

Một đại diện đơn vị tư vấn khác là – Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) nhận định, bản dự thảo mới nhất của Luật hiện tại đã là một kết quả rất rốt, đưa ra những điểm chốt giúp Việt Nam trở thành trung tâm chú ý tại khu vực Đông Nam Á.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, so sánh với 16 đặc khu lân cận của các nước để rút kinh nghiệm cả về sự thành công cũng như thất bại của họ. Tin tốt là những đặc khu đó chưa phải là hoàn hảo.

Vậy nên, Việt Nam có điều kiện để xây dựng những đặc khu tốt hơn. Là người đi sau, các bạn có có lợi thế như vậy” – đại diện BCG nêu quan điểm.

Tin bài liên quan