Sáng 29/6, tại cuộc họp báo bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, có câu hỏi gửi tới Quốc hội đề nghị lý giải vì sao vẫn chưa bổ sung nội dung sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
"Hiện nay mức lương và mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, tại các kỳ họp gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân; song mới đây khi điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội vẫn chưa đưa nội dung này vào.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng cần phải có ý kiến của Quốc hội mới có thể thay đổi kế hoạch sửa luật.
Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu vấn đề sửa đổi thuế thu nhập cá nhân liên quan tới xác định mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh.
Dư luận xã hội thấy đây là vấn đề cần triển khai. Tuy nhiên, để đưa vào chương trình điều chỉnh pháp luật của Quốc hội phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ.
Khi nào Bộ Tài chính chuẩn bị và tham mưu cho Chính phủ, đưa hồ sơ vào chương trình xây dựng pháp luật thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và có thể đưa vào kỳ họp gần nhất có thể.
“Việc này đúng là rất cấp thiết nhưng phải tuân theo thủ tục theo quy định”, bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội trả lời tại họp báo |
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 26/6 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) góp ý khi lương tăng, thuế giảm trừ gia cảnh cần phải nghiên cứu điều chỉnh.
"Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Nếu tăng lương 30% thì mức giảm trừ gia cảnh ít nhất cũng phải tăng 30%, thậm chí tăng đến 50% là hợp lý", đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Ngay đầu Kỳ họp thứ 7, tại cuộc thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023 chiều 29/5, một số đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng lỗi thời của mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành (khiến nhiều người dân có thu nhập không cao so với mức sống mà vẫn phải nộp thuế) và đề nghị Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2024, thay vì tháng 10/2025 như kế hoạch.
Phát biểu tiếp thu giải trình sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã đưa Luật Thuế TNCN vào chương trình xây dựng luật và pháp luật, theo đó tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sau đó dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
"Tuy nhiên, nếu Thường vụ Quốc hội đề nghị đẩy sớm việc sửa Luật này vào tháng 10 năm nay như đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) đề xuất thì chúng tôi chấp hành. Khi tiến hành sửa luật, sẽ tiến hành lấy ý kiến các bên về mức giảm trừ gia cảnh phù hợp", ông Phớc nêu quan điểm.
Về lý do chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, lãnh đạo ngành Tài chính cho biết, hiện nay theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người Việt Nam là 4,9 triệu đồng/người/tháng. So với mức thu nhập bình quân này, mức thu nhập chịu thuế 11 triệu đồng đang cao hơn 2,2 lần. Mức này là cao hơn thế giới, dưới 1 lần.
Lý do thứ hai, ông Phớc cho biết, CPI năm 2023 là 3,35%; năm 2022 là 3,15%; năm 2021 là 1,84%...
"Theo Luật thì CPI tăng 20% trở lên mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và theo luật thì Bộ Tài chính đang thực hiện đúng", ông Phớc nói.