Luật sư Trương Thanh Đức
Ông Đức cho biết, bản thân ông cũng là nhà đầu tư condotel và cá nhân ông không hề ngạc nhiên trước các cam kết lợi nhuận.
“Rõ ràng, để thu hút nhà đầu tư, các chủ đầu tư phải đưa ra con số hấp dẫn, chuyện cam kết ở mức trên, dưới 10%/năm không có gì xa lạ hay đáng ngạc nhiên cả. Bởi nó phải cao hơn hoặc bằng lãi suất gửi ngân hàng hay trái phiếu mới có sức hút”, ông Đức cho biết.
Chủ tịch Basico cho rằng, việc kỳ vọng và thực tế không như mong muốn, hay chuyện được thua trong đầu tư là hết sức bình thường. Đã đầu tư phải chấp nhận rủi ro và sự rủi ro sẽ tăng theo lợi nhuận, càng mua nhà trên giấy, càng tù mù thì càng lãi nhiều. Khi mọi sự đã rõ như ban ngày thì lợi nhuận sẽ thấp. Đó cũng là quy luật của đầu tư, kinh doanh.
“Đơn giản như quán ăn gần công ty tôi, 2 năm 3 lần đổi chủ. Hay mới đây, tôi vừa bán lô cổ phiếu và thu về 18 triệu đồng, trong khi lúc tôi mua phải bỏ ra 100 triệu đồng”, ông Đức ví dụ.
Nhìn nhận về câu chuyện của thị trường condotel, ông Đức cho rằng, sau vụ đổ bể của Cocobay, khi nhiều nhà đầu tư đang sợ hãi thì lại là lúc nên nghĩ đến câu chuyện đầu tư dài hạn với sản phẩm này.
Theo ông Đức, thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang có được cơ hội thỏa thuận về giá. Và với triển vọng của nền kinh tế, đặc biệt là du lịch thăng hoa, thì giá condotel về lâu dài vẫn sẽ lên. Đặc biệt, với các dự án có vị trí đẹp.
“Nhiều nhà đầu tư đang bị hội chứng chim sợ cành cong. Nên đi ngược tâm lý số đông để nhìn dài hạn cũng là một gợi ý tốt”, ông Đức nêu quan điểm.
Nhìn nhận về câu chuyện pháp lý ở thời điểm hiện tại và cả tương lai gần, ông Đức cho rằng, nhiều người đang tưởng rằng, chúng ta đang hoàn thiện pháp luật, nhưng đây chính lúc người làm luật và thị trường cảm thấy rối nhất.
“Tôi tôi thấy câu chuyện pháp lý của bất động sản còn lâu mới gỡ được và càng gỡ càng rối. Hiện, chúng ta có những quy định rất vô lý mà không biết bao giờ mới sửa. Ví dụ như có quyền sở hữu tài sản nói chung thì có quyền cho, tặng, thậm chí phá bỏ, nhưng có quyền sở hữu bất động sản thì không cho thế chấp, cấm huy động vốn… Vì vậy, vốn của bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng và nếu chúng ta không sửa luật, sẽ làm méo mó thị trường”, ông Đức nói.