Trong thời gian gần đây, một vấn đề đang được nhiều DN quan tâm là nên hay không nên bỏ con dấu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt sự tồn tại của con dấu. Đây là tư duy cũ, trong khi thế giới đã thay đổi rất lâu rồi. Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới thì hiện nay trên 110 quốc gia đã bỏ yêu cầu phải có con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp. Xu hướng bỏ con dấu này càng ngày càng rõ. Họ cũng chỉ làm cái việc là trả lại giá trị pháp lý ràng buộc DN cho chữ ký của người đại diện hợp pháp nhân danh DN.
Chẳng nói đâu xa ở ngay các nước láng giếng của chúng ta thôi. Nhiều nước cũng đã bỏ con dấu rồi. Ở Singapore chẳng hạn, người ta thành lập DN qua mạng, chỉ mất mấy phút đồng hồ, tốn kém chỉ 1 đô la tiền truy cập internet và cứ thế là hoạt động chứ đâu phải mất thêm cả tuần cho mỗi việc đi đăng ký và khắc dấu DN. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì như hiện nay thì rõ ràng vừa làm mất đi cơ hội kinh doanh cho DN, vừa tạo ra gánh nặng quản lý và lãng phí.
Nhưng đó là ở nước ngoài. Còn Việt Nam, người dân và DN đã quen với việc phải có cả chữ ký và con dấu thì một quyết định mới có hiệu lực. Dường như việc yêu cầu cả 2 điều này cũng góp phần tăng độ tin cậy của văn bản lên?
Tôi cho rằng, không thể xem con dấu là một yêu cầu bắt buộc phải có để văn bản đã ký bởi người đại diện hợp pháp, nhân danh DN có hiệu lực được. Tư duy xem con dấu là một yêu cầu bắt buộc như trong các văn bản pháp luật đang áp dụng hiện nay ở Việt Nam vô hình trung đã trao giá trị đại diện cho DN, dù không toàn bộ, cho con dấu rồi. Đây không chỉ là lối tư duy cũ mà theo tôi còn có sự nhầm lẫn khái niệm, gây phiền toái và tốn kém cho DN.
Trong quan điểm của ông, dường như sự tồn tại của con dấu gây ra quá nhiều hệ lụy?
Qua hơn 15 năm hành nghề luật sư, tôi đã gặp rất nhiều tình cảnh nực cười mà tôi cứ phải cố giải thích cho các đối tác nước ngoài. Họ cứ ngạc nhiên là tại sao họ gặp ông giám đốc DN để có chữ ký của ông ta rồi mà cứ phải chờ lấy dấu. Có trường hợp chờ mấy ngày vì cô văn thư giữ chìa khóa tủ dựng dấu đi vắng. Thế mới thấy ở ta lạc hậu như thế nào.
Hệ quả của lối tư duy nhầm lẫn này là nếu không có con dấu thì DN không thể hoạt động được, dù là người đại diện hợp pháp của DN có ra quyết định như vậy. Các vụ việc đình trễ hoạt động của DN kéo dài nhiều năm do tranh chấp chiếm dụng con dấu gây thiệt hại rất lớn cho DN là minh chứng rõ ràng cho điểm bất hợp lý này.
Hệ quả thứ hai mà tôi cho rằng cũng rất lớn là tạo cho người tham gia giao dịch tin vào giá trị đại diện DN của con dấu hơn là chữ ký người đại diện. Nhiều khi người ta chỉ nhìn vào việc đã đóng dấu chưa mà không quá quan tâm đến ai đã ký văn bản đó. Điều sai lầm ở đây chính là con dấu đâu có thay mặt cho người đại diện hợp pháp được. Kiểm soát sự tin tưởng đại diện đó không được thành ra lại đổi hết lên trên vai cơ quan quản lý nhà nước về con dấu, mà điều này lại không có gì đảm bảo cả. Hiện tượng làm giả con dấu, dễ dàng lừa gạt đối tác gây ra những hậu quả rất lớn trong những năm qua cho thấy rõ sự bất cập này.
Cũng cần nói thêm giờ đã là thời đại điện tử và công nghệ rồi. Sẽ không ai cứ phải khư khư mang con dấu để đi đóng vào các giao dịch. Nếu buộc phải có con dấu thì giao dịch đâu thể thực hiện được nữa. Chẳng nhẽ giao dịch điện tử được ký bởi chữ ký điện tử không có dấu vẫn có hiệu lực trong khi giao dịch giấy lại phải có dấu mới có hiệu lực.
Vậy theo ông, nếu bỏ con dấu, làm thế nào để tăng tính tin cậy trong các văn bảo giao kết của DN?
Tôi nghĩ, mọi người cần phải hiểu rõ, người đại diện hợp pháp của DN mới là người thay mặt, nhân danh DN đó ký các giấy tờ giao dịch với chủ thể khác, tạo sự ràng buộc pháp lý của giấy tờ giao dịch đó đối với DN mà người ký nhân danh. Nói cách khác, đã có chữ ký của người đại diện hợp pháp của DN thì đồng nghĩa với văn bản đã ký đó phát sinh giá trị pháp lý ràng buộc DN rồi. Bản thân con dấu không thể thay cho người đại diện của DN được
Câu chuyện cần giải quyết ở đây là nâng cao cơ chế để xác thực được chữ ký của người đại diện hợp pháp của DN. Vấn đề này có thể xử lý bằng nhiều cách, từ việc buộc đăng ký chữ ký mẫu và công khai chữ ký mẫu, cho đến áp dụng công nghệ chữ ký điện tử. Đồng thời phải quy định chế tài thật nghiêm khắc trong việc giả mạo chữ ký.