Luật sư: “Đà Nẵng không mất gì, cái mất là chi phí của chủ đầu tư”

(ĐTCK) “Đất không mất đi đâu, giá trị thiệt hại là do cách tính quy đổi. Đà Nẵng không mất đất, không mất chi phí, theo tôi hiểu, cái mất đi chính là chi phí cơ hội mà nhà đầu tư bỏ ra nhưng chưa thu hồi được lợi nhuận”, luật sư nói.
 
Hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Chiều 9/1, hai luật sư đã bào chữa cho bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng), người bị cáo buộc giữ vai trò chính trong vụ án tiếp tay cho Vũ nhôm thâu tóm đất vàng.

Luật sư Phan Thị Lệ Tuyên phát biểu, tại dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (theo cáo buộc là dự án nhà nước bị thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng - PV), đại diện Hội đồng định giá Trung ương đã trả lời tại tòa là khi thẩm định khu đất trên không có tài sản tương đồng. Hội đồng định giá Trung ương đã sử dụng phương pháp giá trị thặng dư.

Trước đó, một số bị cáo khai nhận, thời điểm năm 2004,, dự án 29 ha là đất mặt nước. Công ty TNHH Daewon Cantavil được giao đất, đổ đất, san nền.

Theo luật sư, Hội đồng định giá Trung ương có sự nhầm lẫn thông tin về chủ đầu tư, chủ nguồn vốn dự án. Chủ đầu tư dự án này không phải là UBND TP. Đà Nẵng. Lời khai bị cáo Trần Văn Minh thể hiện Đà Nẵng không phải bỏ ra đồng nào, 87 tỷ đồng là tiền đổ đất san nền. Chủ đầu tư phải là Công ty TNHH Daewon Cantavil và CTCP Xây dựng 79.

Luật sư cho rằng, Hội đồng định giá Trung ương chỉ làm việc chuyên môn, chịu trách nhiệm về con số, đảm bảo tính trung thực, khách quan, không phải là cơ quan chuyên môn đánh giá hậu quả vụ án. Kết luận định giá chỉ là tài liệu tham khảo, không có giá trị tuyệt đối. Bởi lẽ, giá trị thị trường là giá ước tính, được mua, bán trên thị trường.

Với cáo buộc cho rằng UBND TP. Đà Nẵng không áp giá đất dự án trên không sát với giá thị trường (chỉ tính là 300.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường là 5 triệu đồng/m2), luật sư cho rằng, Viện kiểm sát đang nhầm lẫn giữa mức giá phần diện tích đất mặt nước và giá đất đã tôn tạo.

“Như vậy, hậu quả thiệt hại chênh lệch có còn không. Nếu còn là của ai? Mức giá 5 triệu đồng/m2 chính là chi phí cơ hội, tỷ suất vốn hóa dòng tiền của nhà đầu tư, không phải là của Đà Nẵng, vì Đà Nẵng không chi tiền thì làm sao có lợi nhuận được?”, luật sư phát biểu.

Luật sư còn chỉ ra một điểm vô lý trong bản luận tội. Đó là tại Dự án An cư 2,3 mở rộng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ bán cho các cá nhân và tổ chức khác thu về số tiền hơn 252 tỷ đồng. Nhưng đó là giá giao dịch trên thị trường. Cáo trạng lại kết luận vì giảm 10% hệ số sinh lời, nên gây thiệt hại 2.800 tỷ đồng. Bán cả lô đất mới được 252 tỷ đồng, mà giảm 10% lại gây 2.800 tỷ đồng là không có logic.

“Đất không mất đi đâu, giá trị thiệt hại là do cách tính quy đổi. Đà Nẵng không mất đất, không mất chi phí, theo tôi hiểu, cái mất đi chính là chi phí cơ hội mà nhà đầu tư bỏ ra, nhưng chưa thu hồi được lợi nhuận”, luật sư nói.

Luật sư Nguyễn Danh Hưng cho rằng, ban đầu nghĩ đây là vụ án tham nhũng lớn, nhưng sau khi tiếp cận hồ sơ, thân chủ thì thấy rằng, các bản cung của ông Trần Văn Minh chỉ xoay quanh vấn đề quản lý đất đai và tài sản với cáo buộc không đấu giá đất, chuyển quyền sử dụng đất không đúng. Như vậy không có tham nhũng. Cáo trạng cũng nêu không chứng minh được các bị cáo ăn chia, lợi ích nhóm. Cáo trạng nêu động cơ phạm tội nhưng không nói rõ là động cơ gì.

Theo luật sư Hưng, cáo trạng không toàn diện, khách quan, đầy đủ. Luật sư kiến nghị cần làm lại vụ án để đúng với tình tình thực tế.

Tin bài liên quan