Luật sư: Cần xem xét bối cảnh xảy ra sai phạm của các bị cáo vụ Việt Á

Theo luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần xem xét bối cảnh đặc thù khi xảy ra các sai phạm, yêu cầu phải có kit xét nghiệm ngay, nhưng giá thành trên thế giới rất cao.
Tổng giám đốc Việt Á nói đã có nhiều đóng góp to lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng giám đốc Việt Á nói đã có nhiều đóng góp to lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Luật sư cho rằng cựu Bộ trưởng không ưu ái Việt Á

Chiều 8/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan bước sang phần tranh luận của các bị cáo, luật sư trước quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long không tự trình bày phần bào chữa của mình, mà ủy quyền cho các luật sư thực hiện.

Bào chữa cho bị cáo Long, luật sư đề nghị tòa bỏ tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức” vì vụ án chỉ là đồng phạm giản đơn, không có cấu kết chặt chẽ. Ngoài ra, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì 3 lý do.

Theo luật sư, bị cáo Nguyễn Thanh Long làm sai trong bối cảnh đặc thù, chưa có tiền lệ khi Covid-19 bùng phát trên diện rộng, yêu cầu là phải có kit xét nghiệm ngay, nhưng giá thành trên thế giới cao và các nước đều tranh nhau mua.

Để giải quyết nguồn cung, lãnh đạo các cấp khi đó cũng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xem xét, đánh giá để cấp phép kit xét nghiệm trong nước, nên yêu cầu về mặt thời gian là rất gấp.

Các bị cáo hầu tòa liên quan sai phạm của Việt Á.

Các bị cáo hầu tòa liên quan sai phạm của Việt Á.

“Thân chủ tôi với tư cách là người đứng đầu ngành y tế, đã nhận trách nhiệm của mình đối với các sai phạm của bản thân và của Bộ Y tế liên quan đến vụ việc, dù cho những sai phạm này xảy ra là cố ý, vô ý hay do hoàn cảnh, bối cảnh gây ra. Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ, tất cả các nước, kể cả các nước có nền y học tiên tiến, đều phải vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa áp dụng”, luật sư nêu quan điểm.

Thêm vào đó, luật sư cũng cho rằng, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế không “vòi tiền” Phan Quốc Việt, bởi lần đầu nhận tiền là vào tháng 12/2020, sau đó là tháng 11/2021. Hai thời điểm này cách nhau gần 1 năm và khi kit xét nghiệm đã được cấp phép từ rất lâu, do đó luật sư cho rằng “trong thực tiễn, không ai có ý đồ gợi ý, đề nghị nhận tiền để giúp một việc mà lại thực hiện việc gợi ý, đề nghị sau khi việc ấy hoàn thành cả năm trời như vậy”.

Hơn nữa, cùng thời điểm này, Bộ Y tế có cấp phép lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á và Công ty Sao Thái Dương, nên không thể nói bị cáo Nguyễn Thanh Long “ưu ái” Công ty Việt Á.

Luật sư cũng cho rằng, các cơ quan tố tụng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Long, do có cống hiến rất nhiều cho ngành y tế; từng góp phần huy động 35.000 tỷ đồng cho công cuộc phòng chống Covid-19. Bị cáo này hiện có sức khỏe rất yếu, với các bệnh về mắt và chứng "rối loạn ngưng thở khi ngủ".

Cần làm rõ đề tài của Việt Á có phải tài sản Nhà nước không?

Tại phần bào chữa cho Tổng giám đốc Việt Á, luật sư đề nghị Viện Kiểm sát cho biết, đề tài kit xét nghiệm do Học viện Quân y nghiên cứu đã hoàn thành chưa và sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của đề tài có phải là tài sản Nhà nước không?

Luật sư này cho rằng, nếu đề tài đã hoàn thành thì việc nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu là đúng, và kit xét nghiệm là sản phẩm của đề tài. Vì trong báo cáo nghiệm thu có sử dụng kết quả kiểm nghiệm kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.

Ngược lại, nếu đề tài chưa hoàn thành, thì số kit xét nghiệm mà Công ty Việt Á cho các cơ sở y tế ứng trước không thuộc sở hữu của Nhà nước, mà phải theo giá thương mại.

Bên cạnh đó, luật sư cũng đề nghị cần xem xét những đóng góp to lớn của bị cáo Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á trong thời điểm phòng, chống dịch đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ cấp bách cho CDC và các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thực hiện xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch.

Cũng theo luật sư, trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo Việt đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, đồng thời tích cực khắc phục hậu quả. Vợ của bị cáo này cùng Công ty Việt Á cũng đã cam kết dùng toàn bộ các tài sản hiện có để khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.

Do đó, luật sư đề nghị Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo các tình tiết, để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với bị cáo Phan Quốc Việt.

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phan Quốc Việt 30 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Viện Kiểm sát nhận định, Phan Quốc Việt có vai trò chủ mưu, đã cấu kết với các bị cáo khác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức, hai lần trở lên. Tuy nhiên, quá trình điều tra, xét xử, cơ quan tố tụng cũng đánh giá bị cáo thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền và có đơn tự nguyện dùng các tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả.

Tin bài liên quan