Sáng 9/12, các luật sư bào chữa cho Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang đã trình bày quan điểm trước Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Nhóm các bị cáo này nguyên là các lãnh đạo của Ngân hàng ACB và bị quy kết về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng.
Hành vi thứ nhất là tham gia cuộc họp của Thường trực Hội đồng quản trị ACB và thông qua chủ trương đầu tư cổ phiếu trong đó có cổ phiếu ACB gây thiệt hại 687 tỷ đồng.
Hành vi thứ hai là thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB đi gửi tiền ở Vietinbank và sau này bị Huyền Như chiếm đoạt gây thiệt hại 718 tỷ đồng.
Ý kiến luật sự cho rằng sự viện dẫn pháp luật trong bản án sơ thẩm còn thiếu sót. Chẳng hạn như viện dẫn Luật tổ chức tín dụng 2010, theo Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, luật này có hiệu lực từ 1/1/2011.
Bản án cho rằng theo quy định của Luật này thì ngân hàng không được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền. Còn việc thực hiện nghiệp vụ ủy thác quy định tại Điều 106 Luật này nhất thiết phải có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng việc thông qua chủ trương ủy thác cho cá nhân gửi tiền được thực hiện từ ngày 22/3/2010, khi đó Luật tổ chức tín dụng 2010 chưa được ban hành.
“Án sơ thẩm nói rằng khi có luật các bị cáo vẫn thực hiện thì chúng tôi cho rằng đúng hay sai là lỗi của người thực hiện chứ không phải của người ra chủ trương”, Luật sư Nguyễn Đình Hưng nói.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng cho rằng khi luận tội dường như đại diện Viện kiểm sát mới chỉ tóm tắt án sơ thẩm, tại sao đúng, tại sao sai chưa được giải đáp và hi vọng phần đối đáp sẽ được nghe.
Một vấn đề khác luật sư cũng nêu đó là thiệt hại, các luật sư cho rằng thiệt hại chưa được xác định hoặc là không có thiệt hại.
Khoản tiền 718 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng thiếu chứng cứ khách quan để xác định số tiền này đã mất chưa. Án sơ thẩm không giải quyết số tiền này mà cho rằng đã xem xét trong vụ án Huyền Như. Nhưng bản án vụ Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật.
Do đó, Luật sư Hưng đề nghị hủy án sơ thẩm về số tiền 718 tỷ đồng để điều tra lại.
Luật sư Lưu Văn Tám, bào chữa cho các bị cáo Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang cho rằng hậu quả là không có. Chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền đã đem lại gần 2.000 tỷ đồng cho ACB, ngay cả khi trừ đi khoản 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt trong vụ án Huyền Như thì ACB vẫn lãi hơn 1.000 tỷ đồng.
Chủ thể của tội Cố ý làm trái quy định phải là người có chức vụ quyền hạn, có ý thức cố ý - biết rõ hành vi là làm trái quy định, gây thiệt hại nhưng vẫn làm; có hành vi lợi dụng quyền hạn của mình để làm trái và cuối cùng là phải có thiệt hại xảy ra, hành vi và thiệt hại phải có quan hệ nhân quả.
“Nếu thiếu một trong những yếu tố cơ bản hay không thì không đủ cơ sở cấu thành tội Cố ý làm trái”, Luật sư Lê Văn Tám nêu.
Nhưng cả 3 bị cáo khi đồng ý chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, đều cho rằng chủ trương này không vi phạm pháp luật và tin vào đề xuất của Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, tin vào Ban pháp chế, Ban kiểm soát. Thực tế việc ủy thác luật không cấm, không quy định ngân hàng không được ủy thác cá nhân gửi tiền.
“Họ không có ý thức vi phạm, cố ý làm trái quy định pháp luật”, uật sư Tám nói.
Luật sư Kiều Vũ Thị Uyên, bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, cho rằng trong cuộc họp Hội đồng quản trị của Ngân hàng ACB, ông Tấn không không phát biểu, không có ý kiến về việc ủy thác. Điều này đã được các thành viên HĐQT ACB xác nhận. Phạm vi, lĩnh vực phụ trách của ông Tuấn không liên quan đến lĩnh vực gửi tiền.
Do đó, chủ trương dù đúng dù sai thì Huỳnh Quang Tuấn cũng không liên quan. Cùng với nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, gia đình có công với cách mạng, luật sư Uyên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Cuối giờ sáng 9/12, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã nộp cho Tòa án công văn số 179 ngày 19-10-2012 của Công ty chứng khoán ACBS. Theo đó, ACBS nhận được công văn của Công ty ACBI đề nghị ACBS giải chấp 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên đến nay ACB và ACBS chưa có bất cứ công văn trả lời. Theo quy định về hợp đồng thanh toán tài sản đảm bảo trái phiếu giữa ACB và ACBS và các phụ lục, việc chuyển quyền sở hữu các tài sản trên phải có đồng ý của ACBS. Do đó việc tự chuyển nhượng của ACBI là vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, thỏa thuận. ACBS đề nghị CTCP Thép Hòa Phát tiếp tục phong tỏa cổ phần của ACBI. |