Luật “quên” con dấu phòng giao dịch

(ĐTCK) Quy định mới về con dấu dành quyền tự quyết cho doanh nghiệp đang khiến hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro rất lớn, bởi pháp luật “quên” quy định về con dấu của phòng giao dịch.
Từ ngày 8/12/2015, phòng giao dịch được tiếp tục sử dụng con dấu của phòng, hay phải dùng con dấu của chi nhánh, hội sở ngân hàng?

Từ ngày 8/12/2015, phòng giao dịch được tiếp tục sử dụng con dấu của phòng, hay phải dùng con dấu của chi nhánh, hội sở ngân hàng?

Phòng giao dịch thành lập mới sẽ sử dụng con dấu nào?

Luật Doanh nghiệp, sau đó là Nghị định 96/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 8/12/2015) quy định, doanh nghiệp (trong đó có ngân hàng) được tự quyết định hình thức, nội dung con dấu của doanh nghiệp, của chi nhánh, văn phòng đại diện. Tuy nhiên, trong mạng lưới hoạt động của ngân hàng, ngoài hội sở chính, các chi nhánh, văn phòng đại diện, thì còn một đơn vị đặc thù là phòng giao dịch. Vậy hiệu lực pháp lý của việc khắc dấu, sử dụng dấu đối với các phòng giao dịch ngân hàng ra sao?

Đối với con dấu hiện tại, các phòng giao dịch tiếp tục sử dụng có hiệu lực pháp lý hay không hiện chưa rõ ràng. Nghị định 96 cho phép con dấu được cấp cho doanh nghiệp trước ngày 1/7/2015 thì vẫn được dùng như cũ. Nhưng Nghị định chỉ đề cập đến con dấu doanh nghiệp ở mức độ doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, mà không có phòng giao dịch.

Vậy phòng giao dịch được tiếp tục sử dụng con dấu của phòng, hay phải dùng con dấu của chi nhánh, hội sở ngân hàng? Có ai dám chắc sẽ không có nguy cơ khi một tranh chấp rủi ro tiền bạc phát sinh, bên liên quan cho rằng giao dịch vô hiệu vì con dấu phòng giao dịch theo luật không được phép sử dụng?

Sẽ ra sao nếu như doanh nghiệp quy định con dấu số 1 chỉ đóng vào các tài liệu nội bộ, con dấu số 2 chỉ được đóng vào các tài liệu giao dịch ngân hàng. Theo luật thì các con dấu của cùng một doanh nghiệp phải giống nhau, vậy ngân hàng sẽ phân biệt ra sao trong trường hợp này?

Sẽ khó xử cho ngân hàng hơn khi thành lập phòng giao dịch mới, sau khi Nghị định 96 có hiệu lực. Về nguyên tắc, cơ quan công an không còn quản lý việc khắc con dấu mới của doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Việc khắc dấu ra sao do ngân hàng tự quyết theo quy định mới. Tuy nhiên, quy định mới không có nội dung cho ngân hàng được tự quyết với con dấu của phòng giao dịch. Vậy muốn nhờ cơ quan công an cho phép tạo dấu mới cũng không được, tự làm cũng không xong!

Thực tế, các phòng giao dịch với số lượng đông đảo đã tạo nên mạng lưới rộng mở của ngành ngân hàng. Ngân hàng muốn tăng trưởng thì nhất thiết phải tăng dư nợ tín dụng. Muốn tăng trưởng dư nợ tín dụng, ngân hàng cần huy động vốn, mà muốn huy động vốn thì ngân hàng lại cần đến mạng lưới các phòng giao dịch. Tuy nhiên, quy định về con dấu của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 96 đã “quên” mất con dấu phòng giao dịch. Như vậy, rủi ro pháp lý cho ngân hàng sẽ rất lớn từ những trục trặc hành chính và nguy cơ tranh chấp pháp lý trong tương lai. 

Nguy cơ vô hiệu hàng loạt hợp đồng giao dịch

Theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 96, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về số lượng con dấu, hình thức, nội dung con dấu và tự quy định về cách thức sử dụng con dấu. Như vậy, doanh nghiệp có thể thiết kế con dấu với nội dung, mẫu mã đa dạng, chỉ cần trong con dấu có hai thông tin cơ bản là mã số và tên của doanh nghiệp. Miễn là, khi thay đổi mẫu dấu thì doanh nghiệp phải thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thêm nữa, theo quy định, việc quản lý và sử dụng con dấu thực hiện theo Điều lệ doanh nghiệp hoặc văn bản quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên, HĐQT doanh nghiệp. Đồng thời, con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật, hoặc các bên có thỏa thuận. Từ đây có thể nảy sinh nhiều tình huống phức tạp đối với ngân hàng về con dấu trong giao dịch với doanh nghiệp.

Sẽ ra sao nếu như doanh nghiệp quy định con dấu số 1 chỉ đóng vào các tài liệu nội bộ, con dấu số 2 chỉ được đóng vào các tài liệu giao dịch ngân hàng. Theo luật thì các con dấu của cùng một doanh nghiệp phải giống nhau, vậy ngân hàng sẽ phân biệt ra sao trong trường hợp này?

Hoặc con dấu đóng trong hợp đồng giữa ngân hàng với doanh nghiệp không phải là mẫu dấu mới nhất mà doanh nghiệp đã thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh, thì rủi ro gì có thể xảy ra? Ngược lại, nếu doanh nghiệp đóng dấu theo mẫu mới nhất, nhưng mẫu này lại chưa được thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh và ngân hàng không biết điều này, thì hậu quả sẽ như thế nào?

Dù liên tục theo dõi cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (www.dangkykinhdoanh.gov.vn), nhưng ai dám chắc thông tin truy vấn là thông tin mới nhất về tình trạng dấu cũ, dấu mới, dấu chính, dấu phụ của doanh nghiệp?

Trong mọi trường hợp trên, chỉ cần có phát sinh tranh chấp và khách hàng cho rằng, con dấu đóng trong hợp đồng không phải là con dấu có hiệu lực của doanh nghiệp, thì nguy cơ vô hiệu hợp đồng là rất lớn. Một khoản vay vô hiệu, ngân hàng sẽ mất hết số lãi đáng ra được quyền thu; một hợp đồng bảo đảm vô hiệu, ngân hàng sẽ mất tài sản bảo đảm.

Ở khía cạnh khác, từ trước tới nay, ngân hàng trong giao dịch với khách hàng chỉ cần xem xét con dấu, đối chiếu với giấy chứng nhận mẫu dấu là đủ, thì từ ngày 8/12 tới, thao tác đơn giản này sẽ không còn giá trị. Tương tự, trước đây, khi xét duyệt cho vay, việc ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Điều lệ doanh nghiệp hầu như chỉ mang tính thủ tục. Nhưng nay, ngân hàng buộc phải quan tâm nhiều hơn đến tài liệu này, nhất là với những khách hàng, hợp đồng mới ký từ ngày 1/7/2015 trở đi.

Tin bài liên quan