Sở dĩ như vậy bởi bối cảnh kinh tế khó khăn khiến hàng chục ngàn DN giải thể, dừng hoạt động mỗi năm, nhưng sau 9 năm kể từ khi Luật Phá sản hiện hành có hiệu lực, mới chỉ có 83 trường hợp chính thức được phá sản theo luật này. Dưới đây là ý kiến của một số luật sư trong cuộc trao đổi với ĐTCK về một số điểm cần tiếp tục chỉnh lý để Dự luật Phá sản sửa đổi khả thi hơn khi đi vào cuộc sống.
“Nên cân nhắc việc có thẩm phán chuyên trách”
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng
Có một rào cản vô hình, ảnh hưởng rất nhiều đến việc vì sao không phá sản được DN, đó là rào cản tâm lý. Nhiều trường hợp, DN đã đủ điều kiện phá sản nhưng bản thân DN, người lao động, hoặc chủ nợ cũng ngại đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ra tòa, bởi chính chủ nợ không muốn khai tử con nợ. Chính tâm lý này cũng góp phần khiến cho Luật Phá sản không đi vào cuộc sống được. Đặc biệt là yếu tố từ cơ quan tố tụng. Chúng tôi đã từng tư vấn cho một trường hợp DN tự xin phá sản khi thấy đủ điều kiện. Tuy nhiên, ngay cả một tỉnh lớn như tỉnh Đồng Nai, cơ quan tố tụng cũng đã “ngâm” hơn 1 năm trời mà không thụ lý đơn. Tất nhiên, sẽ có những lý do được đưa ra, nhưng không thể phủ nhận tâm lý “ngại” việc, bởi phá sản DN là việc phức tạp, rất nhiều vấn đề từ giai đoạn thẩm định, xem xét, ra quyết định mở thủ tục phá sản, rồi thành lập tổ quản lý thanh lý tài sản, xử lý công nợ… Trong khi đó, do có ít vụ phá sản nên các thẩm phán chưa tạo thành kỹ năng.
Do đó, nên cân nhắc việc có thẩm phán chuyên trách về phá sản DN. Ngoài ra, cần phổ biến rộng rãi hơn sắc luật này, bởi nhiều DN không biết xử lý như thế nào khi rơi vào tình trạng phá sản, trong khi Luật Phá sản có nhiều giá trị tích cực cho cả con nợ, chủ nợ, người lao động và cả khía cạnh quản lý nhà nước.
“Nợ quá hạn phải lớn hơn tài sản có mới là phá sản”
Luật gia Cao Bá Khoát, Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K & Cộng sự
Tiêu chí nhận dạng đối tượng có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản là “DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu VND trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản” là chưa hợp lý. Nên quy định nợ quá hạn không có khả năng thanh toán phải lớn hơn tài sản có mới được coi là lâm vào tình trạng phá sản như thông lệ quốc tế.
Do phá sản là một thủ tục tố tụng riêng nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chẳng hạn khi Tòa án thông báo 2 lần cho chủ nợ mà không đến (có thể là do thay đổi trụ sở, địa điểm nên không nhận được thông báo) thì liệu có bị mất quyền như trong thủ tục tố tụng dân sự? Bởi vậy, cần có trình tự, thủ tục riêng nhanh gọn hơn cho thủ tục phá sản, có thể hướng dẫn riêng trong một nghị định.
“Nên mở rộng đối tượng áp dụng”
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico
Liên quan đến đối tượng áp dụng Luật Phá sản, Ban soạn thảo giải thích nguyên nhân không mở rộng đối tượng là vì: “Pháp luật hiện hành không quy định các trường hợp thuộc đối tượng này (cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh) phải có đăng ký vốn. Mặt khác, theo quy định của pháp luật dân sự, các đối tượng này phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản”.
Tuy nhiên, trong số loại hình DN thuộc phạm vi phá sản theo luật này có công ty luật TNHH và theo Luật Luật sư năm 2006, loại DN này không có quy định về vốn, không ghi nhận vốn trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Về vấn đề trách nhiệm vô hạn, công ty hợp danh và DN tư nhân vẫn được phá sản, mặc dù theo quy định tại Điều 130, Luật Doanh nghiệp 2005, thì Công ty hợp danh là DN có tư cách pháp nhân, nhưng các thành viên hợp danh phải “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”. Và theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Luật Doanh nghiệp 2005, thì “DN tư nhân là DN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN”, tức là chịu trách nhiệm vô hạn như cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình.
Do đó, cần phải xem xét mở rộng đối tượng áp dụng đối với một số chủ thể khác như tổ hợp tác và hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.