Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ông có nhận xét gì về các quy định mới trong dự thảo?
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) khi được thông qua và có hiệu lực chắc chắn sẽ tháo gỡ được những vướng mắc mà các điều luật trước đây chưa theo kịp được với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi từng ngày, thì những quy định mới của luật sẽ giúp tăng tính chủ động của doanh nghiệp. Dự thảo cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Quy định đó cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm rút ngắn thời gian bồi thường liệu có xóa bỏ định kiến “bảo hiểm mua dễ khó đòi” của không ít người dân?
Tôi cho rằng, quy định này sẽ có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Trên thị trường bảo hiểm có nhiều tranh chấp phát sinh từ việc khách hàng không được giải thích đầy đủ về quyền lợi, dù theo quy định của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhân viên bán hàng phải tư vấn đầy đủ cho khách hàng. Có một thực tế, nhiều khách hàng có tâm lý cứ mua bảo hiểm là mặc nhiên được bồi thường, mà không quan tâm trách nhiệm của mình như thế nào. Chính vì tâm lý này nên khi bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoặc chế tài bồi thường, khách hàng thường có phản ứng mạnh.
Quy định bắt buộc phải có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ sẽ buộc nhân viên tư vấn bảo hiểm phải giải thích chi tiết và cụ thể, đồng thời buộc khách hàng lắng nghe và hiểu rõ hơn. Khi khách hàng đã hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình thì định kiến “bảo hiểm mua dễ khó đòi” sẽ dần biến mất.
Ông có kiến nghị gì về chính sách quản lý bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững?
Thị trường Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng. Các chính sách pháp luật hiện nay đã tạo khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nên phần nào đó các quy định pháp luật còn có sự bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Ví dụ, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, các quy định về đối tượng bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm còn đang bị giới hạn, dẫn đến một số sản phẩm bảo hiểm đã phát triển tại các thị trường nước ngoài nhưng không áp dụng được tại Việt Nam do không phù hợp với quy định pháp luật, mặc dù nhu cầu xã hội rất lớn.
Hoặc sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cộng với nhu cầu mua bảo hiểm online của khách hàng ngày càng tăng, nhưng các quy định pháp luật về thương mại điện tử nói chung loại trừ áp dụng đối với lĩnh vực bảo hiểm và quy định hoạt động bảo hiểm phải tuân theo quy định của luật chuyên ngành, trong khi đó, các quy định này trong Luật Kinh doanh bảo hiểm lại không có.
Theo ông, cơ hội và thách thức nào đang chờ đón các doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài?
Dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi cách thức vận hành của thị trường bảo hiểm Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với những điều kiện mới. Tuy nhiên, trong “nguy” sẽ luôn có “cơ”.
Dịch bệnh sẽ là lực đẩy buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong mọi hoạt động kinh doanh. Việc này không dễ thực hiện, nhưng khi doanh nghiệp sử dụng nhuần nhuyễn được công nghệ mới, biến thành động lực cho sự phát triển thì chắc chắn sẽ bỏ xa các đối thủ.
Một cơ hội nữa là nhận thức của người dân về bảo hiểm đang được cải thiện đáng kể, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm vi mô, đáp ứng được nhu cầu “mua dễ - bồi thường đơn giản” của khách hàng.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có dư địa phát triển rất lớn, vì vậy, tôi tin rằng, khi chúng ta nắm bắt được cơ hội thì sẽ phát triển rất nhanh.