Luật mới, doanh nghiệp cần tỉnh táo khi ký hợp đồng tín dụng

(ĐTCK) Theo phân tích của luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), Bộ luật Dân sự mới, có hiệu lực từ đầu năm 2017 quy định, lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. 
Luật sư Vũ Ngọc Chi

Luật sư Vũ Ngọc Chi

Tuy nhiên, việc áp dụng các khoản vay giữa DN và ngân hàng có áp dụng theo mức này hay không còn chưa được khẳng định rõ. Vì vậy, khi vay vốn ngân hàng, DN hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ hợp đồng, để tránh những bất lợi quá lớn sau này khi tranh chấp xảy ra. 

Thưa luật sư, trong một số vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng, số tiền lãi có thể cao gấp đôi hoặc hơn thế so với số nợ gốc. Ông có cho rằng việc tính lãi như thế là quá cao?

Khi cho vay, việc tính lãi của ngân hàng trước hết là theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng khi các bên ký kết. Mức lãi suất này có thể cố định suốt thời kỳ vay (nhưng hiếm) hoặc được điều chỉnh theo từng chính sách lãi suất của ngân hàng từng giai đoạn. Đây là mức lãi suất trong hạn, nói cách khác là lãi suất khi chưa có tranh chấp.

Kể từ khi khoản nợ đến hạn thanh toán, bên ngân hàng sẽ nhắc nợ và trong trường hợp bên vay chưa có tiền thanh toán thì lãi suất sẽ chuyển từ lãi suất thỏa thuận sang lãi suất phạt (bằng 150% lãi suất trong hạn). Đây là cách phổ biến mà các ngân hàng thường áp dụng cho các DN khi vay đến hạn mà không trả được nợ cho ngân hàng. Nhưng đó mới chỉ là lãi suất quá hạn.

Nếu vụ việc trở thành tranh chấp tại toà án thì ngân hàng sẽ tính toán và yêu cầu tất cả các khoản có thể đòi DN. Thực tế, trong các vụ kiện tranh chấp tín dụng, nhiều ngân hàng yêu cầu lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi phạt, bồi thường thiệt hại... Việc này khiến cho DN thêm khốn khó bởi thực tế khi đó, DN đã khó khăn về tài chính, chứ không phải DN cố tình chây ỳ không trả. 

Khi ra tòa, nhiều DN kêu khổ về cách tính lãi tận thu, lãi chồng lãi của các ngân hàng. Ông nghĩ sao về điều này?

Việc bị tính lãi suất tận thu và thường bị tính mức lãi suất cao là có thật và thường được các ngân hàng cho vào các điều khoản trong hợp đồng tín dụng. Thực tế, không ít vụ tranh chấp, ngân hàng tính nhiều mức lãi và có mức lãi lên tới trên 30%/năm. Có DN còn phản ánh là bị tính lãi tới trên 40%/năm. Có trường hợp, DN đã khó khăn, để nợ quá hạn và xin trả gốc trước để giảm bớt nghĩa vụ lãi phát sinh nhưng ngân hàng không đồng ý.

Trong khi đó, các DN khi ký hợp đồng tín dụng thường quan tâm nhiều hơn đến thời gian giải ngân nhanh hay lâu và thậm chí ký nhanh để được giải ngân nhanh, chưa lường hết được tình huống có thể nếu xảy ra tranh chấp với ngân hàng.

Việc tận thu này đành rằng là theo thỏa thuận, nhưng rõ ràng ưu thế sẽ thuộc về ngân hàng trong mối quan hệ cho vay với DN, mà thể hiện rõ nhất là hợp đồng thường được bên ngân hàng soạn trước, sau đó bên vay chỉ việc soát lại một số thông số cơ bản và ký. Do vậy, việc bị tận thu lãi hoặc trả tiền chỉ được tính trả vào lãi… là điều dễ hiểu. 

Bộ luật Dân sự mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017 và có sự thay đổi rất lớn về quy định lãi suất cho vay dân sự. Liệu quy định này có ảnh hưởng gì tới lãi suất cho vay của ngân hàng hay không?

Bộ luật Dân sự mới sắp có hiệu lực có quy định về lãi suất cho vay tại Điều 468: Luật vẫn đề cao yếu tố thỏa thuận của các bên theo quy định. Tại khoản 1 của điều này còn nêu rõ lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, song Luật lại đề cập thêm: trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Với quy định mức lãi suất mới này, rõ ràng là có sự khác biệt trong các khoản vay dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng các khoản vay giữa DN và ngân hàng có áp dụng theo mức này hay không còn chưa được khẳng định rõ, vì luật còn bỏ ngỏ về việc áp dụng trong quan hệ giữa DN và ngân hàng khi viện dẫn thêm: trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.

Hiện nay, các ngân hàng đều cho rằng, việc DN vay tiền ngân hàng là các khoản vay thương mại, chứ không phải là khoản vay dân sự và thực tế hiện nay, việc tính lãi suất cho vay thương mại này không do Bộ luật Dân sự điều chỉnh, mà do hướng dẫn ngành dọc của ngân hàng điều chỉnh. Vì không có sự thống nhất và rõ ràng như vậy nên chưa có căn cứ để khẳng định một cách chắc chắn rằng quy định này có ảnh hưởng tới việc điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng.

Qua các phân tích trên, chúng ta thấy rõ ràng, có hai cách hiểu và áp dụng với mức lãi suất vay khác nhau giữa dân sự và thương mại và các chế tài này còn chưa có sự phân biệt rạch ròi về nguồn luật điều chỉnh, nhất là các khoản vay thương mại và bất cập hơn ở chỗ bên vay - là DN thường bị yếu thế hơn trong quan hệ vay. 

Theo ông, DN cần cân nhắc những yếu tố nào trước khi đặt bút vay vốn ngân hàng?

Theo tôi, DN cần tính toán và mở rộng hơn hình thức huy động vốn nhàn rỗi, cũng không nhất thiết qua ngân hàng, có thể thông qua TTCK, chẳng hạn đây cũng là một kênh huy động vốn tương đối tốt và rất nhiều DN đã áp dụng thành công khi huy động vốn ở thị trường này.

Trong trường hợp chưa có điều kiện để huy động nhiều kênh khác nhau, buộc phải thương lượng với ngân hàng thì các DN hãy dành thời gian để  tìm hiểu hợp đồng và nhớ rằng nên trao đổi và thương lượng tất cả những điều bất hợp lý trong hợp đồng hoặc chấp nhận ở mức độ có thể, để tránh cho DN những bất lợi quá lớn sau này khi giữa DN và ngân hàng không có sự đồng thuận hoặc mâu thuẫn thì đã có phương án xử lý.

Tin bài liên quan