Theo ông Huỳnh Quang Hải, 11 năm qua, TTCK vận hành trên nền Luật Chứng khoán 2006 và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, số doanh nghiêp (DN) niêm yết/đăng ký giao dịch đã tăng 7 lần, lên hơn 1.500 DN hiện hành với vốn hóa thị trường đạt gần 77% GDP của năm 2017. Trong khi đó, năm 2006, vốn hóa TTCK mới đạt 22% GDP.
TTCK phát triển về quy mô và ngày càng sôi động, nhưng quá trình phát triển này cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập, cần phải xem xét, sửa đổi để nền tảng pháp lý phải tạo động lực cho TTCK phát triển mạnh hơn, bền vững và an toàn.
Ông Hải cho biết, dự án luật sau quá trình xây dựng dự thảo, sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ với dự kiến trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm 2019. Nếu mọi việc thuận lợi, dự luật này sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019.
Làm thế nào để tạo dựng được nền tảng pháp lý mới thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và bền vững là bài toán không đơn giản trên nền tảng TTCK lớn về quy mô, nhưng chất lượng DN, chất lượng giao dịch, chất lượng giám sát sự minh bạch và liêm chính trên thị trường còn nhiều hạn chế.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban xây dựng dự thảo Luật dựa trên 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế thị trường. T
hứ hai là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTCK. Thứ ba là củng cố niềm tin, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trên thị trường.
Điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán là quy định về điều kiện phát hành, chào bán chứng khoán của các DN, đây là đầu vào cho hàng hóa thị trường. Cùng với đó, dự luật tăng điều kiện về công ty đại chúng để hạn chế tình trạng “đại chúng rởm”.
Các quy định về giao dịch, giám sát, thanh toán bù trừ và hoạt động của khối các công ty đặc thù như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán… cũng được làm mới theo hướng tăng dần với các quy chuẩn của thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dự luật cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, DN trong ngành.
Một nội dung được nhiều chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi là cần rộng cửa cho DN huy động vốn qua kênh TTCK, qua đó giảm gánh nặng tài trợ vốn từ khu vực ngân hàng cho nền kinh tế, cũng như DN.
Về chào bán ra chứng khoán ra công chúng, dự thảo quy định: Tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành… Đây là quy định tiến bộ theo thông lệ quốc tế, nhưng DN không dễ để thực hiện.
Về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo quy định: DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 300 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán…
Ý kiến từ chuyên gia cho rằng, điều kiện về vốn này là cao, thay vào đó, cao nhất chỉ nên là 100 tỷ đồng.
Điều kiện quan trọng nhất nên đưa ra đối với các DN là yêu cầu về minh bạch thông tin, báo cáo tài chính, hiệu quả hoạt động, chứ không nên là các chỉ tiêu cứng về vốn, kinh doanh có lãi...
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo quy định: DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 300 tỷ đồng trở lên là khó khả thi.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, số lượng DN có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng chỉ chiếm 1,1% tổng số DN; DN có vốn điều lệ từ 200-500 tỷ đồng chỉ chiếm tỷ lệ 1,2%; DN có quy mô vốn dưới 200 tỷ đồng chiếm tới 97,7%.
Điều này có nghĩa là đa phần các DN có quy mô vốn vừa và nhỏ, nên dự thảo Luật đưa ra điều kiện 300 tỷ đồng là quá cao, thiếu cơ sở thực tế. Ban soạn thảo nên cân nhắc để giảm điều kiện này về 200 tỷ đồng…”, ông Lực đề xuất.
Thực tế, TTCK đã hoạt động gần 20 năm, số vốn huy động qua TTCK rất lớn, nhưng số vốn các DN huy động được chỉ bằng khoảng 20% tổng số vốn được huy động qua thị trường.
Do đó, trong lần sửa Luật Chứng khoán này, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần tạo ra các cơ chế để rộng cửa cho DN huy động vốn qua TTCK, cần hướng đến việc tạo nền tảng pháp lý để hỗ trợ DN tìm được vốn từ nhà đầu tư để có thêm nguồn lực cho phát triển. Khi DN có điểm tựa về nguồn lực tài chính để phát triển, TTCK sẽ có cơ hội bước đi nhanh và bền vững hơn.
Đề xuất nâng mức phạt vi phạm hành chính lên tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức…
Tuy mức trần xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân, nhưng có điểm mở là nếu luật khác quy định mức xử phạt khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán.
Bởi vậy, để tăng tính răn đe đối với các vi phạm trên TTCK, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, Ban soạn thảo đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên mức tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ngoài nâng mức phạt tiền, để tăng tính răn đe, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản thu lợi bất chính, cấm chào bán chứng khoán, rút giấy phép hành nghề…. Nhiều điểm mới được chúng tôi đưa ra trong dự thảo Luật với mong muốn TTCK sẽ phát triển lành mạnh, hiệu quả hơn.
Tách cấp giấy phép hoạt động và đăng ký kinh doanh cần tránh gây khó cho doanh nghiệp…
VASB ủng hộ việc tách cấp Giấy phép hoạt động và Giấy đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại dự thảo Luật Chứng khoán thì DN sẽ xin Giấy phép hoạt động trước rồi thực hiện xin Giấy đăng ký kinh doanh trong vòng tối đa 1 năm.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB).
Trong khi đó, điều kiện cấp phép được quy định bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất, vốn, nhân sự…, có nghĩa là phải có sự đầu tư trước khi nộp hồ sơ xin Giấy đăng ký kinh doanh.
Việc đầu tư này khi chưa đăng ký kinh doanh sẽ được các bên thỏa thuận, mà chưa có pháp nhân. Điều này dễ xảy ra những tranh chấp trong thời gian chưa thành lập công ty chứng khoán hoặc trường hợp không xin được Giấy đăng ký kinh doanh...
VASB đề xuất cơ quan đăng ký kinh doanh và UBCK cần có cơ chế phối hợp một cửa liên thông, để cấp cùng một lúc 2 giấy phép cho DN trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Có điểm yêu cầu công ty kiểm toán phải công khai thông tin chưa phù hợp…
Ông Trần Anh Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam
Công bố thông tin của tổ chức kiểm toán được chấp thuận là một quy định hoàn toàn mới tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Việc quy định công bố thông tin về báo cáo minh bạch, danh sách kiểm toán viên được chấp thuận là phù hợp.
Còn các yêu cầu về công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trong năm và báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán là không phù hợp. Các báo cáo này chỉ nên được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để kiểm tra, giám sát.
Cần lưu ý việc quy định về tổ chức kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng phải báo công bố báo cáo minh bạch, đã quy định tại Luật Kiểm toán độc lập của Việt Nam được đưa ra dựa trên tham khảo quy định của Cộng đồng châu Âu về kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng và là quy định khá tiên tiến hiện nay. Báo cáo minh bạch này đã bao gồm khá đầy đủ những thông tin cần thiết và phù hợp với các đối tượng công chúng quan tâm đến hoạt động của tổ chức kiểm toán độc lập.