Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh
Thừa ủy quyền Thủ tướng, sáng 20/6 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đây là dự án luật mới được Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để cho ý kiến ngay tại kỳ họp này.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã thể hiện chính kiến chưa cần thiết ban hành luật này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể thực trạng, tác động của dự án Luật, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hồ sơ dự án Luật. Chính phủ cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm nêu sự cần thiết.
Ban hành luật này, theo Bộ trưởng còn nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Theo số liệu khảo sát đến nay, trong toàn quốc có 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng Công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh Công an xã chính quy và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với phạm vi điều chỉnh là “quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.
Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.
Có ý kiến cho rằng, nhiều quy định về nhiệm vụ còn chung chung, thiếu cụ thể, sẽ khó khăn trong việc thực hiện; đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng này với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã (chính quy) và các lực lượng khác ở cơ sở.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò “nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn”; từ đó, bổ sung các quy định cụ thể tương ứng trong dự thảo Luật.
Ý kiến khác cho rằng, dự thảo cần thể hiện rõ hơn “vị trí”, “địa vị pháp lý” của lực lượng này, làm căn cứ cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng này để tránh hiểu nhầm là thành lập lực lượng mới ở cơ sở làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.
Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực. Với 103.568 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố trên toàn quốc (theo Tờ trình), nếu bố trí mỗi Tổ bảo vệ an ninh trật tự có ít nhất 3 thành viên (tổ trưởng, tổ phó và 1 tổ viên); đồng thời, cho phép bầu bổ sung để tăng số lượng tổ viên trong trường hợp cần thiết thì tổng số lượng thành viên các Tổ bảo vệ này không chỉ dừng lại ở khoảng 300 nghìn người như Tờ trình của Chính phủ.
Hơn nữa, ở địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn lại khác nhau về thành phần lực lượng (Bảo vệ dân phố chỉ có ở đô thị, Công an xã bán chuyên trách chỉ có ở nông thôn), nên việc sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng cần được đánh giá cụ thể hơn theo địa bàn và đặc điểm tình hình an ninh trật tự ở khu vực đô thị, khu vực nông thôn, biên giới và một số địa bàn đặc thù phức tạp về an ninh trật tự để bảo đảm quy định của Luật sát với tình hình thực tiễn.
Ngay sáng nay, dự thảo luật được Quốc hội thảo luận tại tổ.