Luật hóa quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ là một trong 5 chính sách tại dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới.

Chiều 1/4 , tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng không nhân dân.

Trình bày tờ trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 55 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách, nội dung xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.

Trong 5 chính sách có chính sách thứ 3 về quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Về vấn đề này, tờ trình dự án luật nêu, trong những năm qua, việc khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vào các lĩnh vực đời sống xã hội tương đối phổ biến, đa dạng. Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh, uy hiếp đến an toàn hàng không.

Vẫn theo tờ trình, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng cả trong nội địa và địa bàn một số tỉnh giáp biên (chỉ tính riêng năm 2023 tại các quận nội thành Thành phố Hà Nội, lực lượng quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 1.557 trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm, trong đó có cả vi phạm trong khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay).

Bên cạnh đó công tác quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, độ cao giới hạn chướng ngại vật phòng không xung quanh các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam còn hạn chế. Những bất cập đó đặt ra yêu cầu cao phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp, như quy định cụ thể về quản lý điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục đầu tư; thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khoảng cách cự ly, độ cao các công trình liền kề, tiếp giáp trận địa phòng không...; tuy nhiên, việc quản lý các hoạt động nêu trên sẽ liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo tờ trình của Chính phủ.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.

Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phản ánh, có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết quy định cấp phép xuất khẩu cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; làm rõ quy trình xin ý kiến đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về ủy thác; ý kiến khác đề nghị quy định thống nhất về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Thường trực Uỷ ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để rà soát, quy định nội dung phù hợp, nhất là quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Về điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay (Điều 29), Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; đồng thời, nội dung quy định điều kiện phải “có kiến thức về hàng không” là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.

Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về tác động của quy định này để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; có quy định cụ thể hơn về tiêu chí được miễn trừ cấp phép bay để thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cho phù hợp.

Về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 31) Thường trực cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí quy định về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất về hậu quả pháp lý tại Điều 31 với quy định tại Điều 30 dự thảo Luật với các biện pháp, thẩm quyền đình chỉ, thu giữ, chế áp...

Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của chỉ huy đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam đình chỉ các chuyến bay, tạm giữ, thu giữ phương tiện bay không người lái để phù hợp với thẩm quyền của Cảnh sát biển, ông Lê Tấn Tới phản ánh.

Tin bài liên quan