Là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, dự kiến trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5 tới, ông Đặng Huy Đông cho rằng, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bên, dự Luật tiếp tục giữ vững mục tiêu hỗ trợ đúng và trúng đối tượng DNNVV, giúp các DN vươn lên phát triển mạnh hơn, bền hơn.
Ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Liệu cách tiếp cận này đã đáp ứng đúng mục tiêu hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này và phù hợp với thông lệ thế giới?
Tôi xin khẳng định rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV luôn đi đúng quan điểm tiếp cận là hỗ trợ đối tượng DNNVV và hướng đi này phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nhiều kết quả khảo sát và nghiên cứu đã cho thấy, hầu hết các quốc gia, trong đó có các nước phát triển như Nhật Bản, các thành viên G7, đều có chính sách hỗ trợ tập trung cho khu vực DNNVV, bởi đây là một trong những chủ thể quan trọng của nền kinh tế, nhưng lại rất dễ bị tổn thương.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Cho đến thời điểm này, vẫn tồn tại nhiều quan điểm băn khoăn về vai trò của DNNVV, từ đó chưa thể thống nhất với cách tiếp cận của Dự thảo Luật. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Thực tế, đã từng có thời điểm chúng ta chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của khu vực DNNVV, cho rằng đội “thuyền thúng” này chiếm tỷ lệ quá lớn trong nền kinh tế, lên tới 97%. Đây là quan điểm phê phán rất nặng nề. Hiện tại, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng rằng, khu vực này là nơi tạo ra 60 - 70% việc làm cho xã hội, tập trung sự sáng tạo và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tôi nhắc lại, ngay tại các quốc gia phát triển bậc nhất trên thế giới, điển hình là Nhật Bản vẫn có tới 99,7% là DNNVV, chỉ có 0,3% là doanh nghiệp lớn. Nhật Bản coi DNNVV là trụ cột, tạo động lực chính cho nền kinh tế phát triển và do đó đã có chính sách hỗ trợ tập trung cho khu vực này ngay từ những ngày đầu xây dựng lại đất nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là một minh chứng điển hình mà qua đó, chúng tôi mong chúng ta cùng xem xét, để có các đánh giá khách quan và công bằng hơn về cách tiếp cận của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Qua quá trình hợp tác với các tổ chức giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ hoạt động của DNNVV như Tổ chức Xúc tiến thương mại JETRO và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), theo ông, Việt Nam đã học hỏi được những gì trong việc hỗ trợ, cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ khu vực này?
Quá trình hợp tác nghiên cứu hoạt động hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản cho thấy, họ dành những nguồn lực rất lớn cho việc trợ giúp khu vực này, từ nguồn ngân sách cho tới số lượng nhân lực dồi dào trên khắp cả nước. Tất nhiên, chúng ta không thể và cũng không phải cố gắng đuổi theo để đạt được mức hỗ trợ như Nhật Bản đang tiến hành.
Điều quan trọng là qua đó, chúng ta học được cách tiếp cận và phương pháp thực hiện đúng đắn, từ đó tìm ra cho mình hướng đi, chính sách hỗ trợ hiệu quả đối tượng DNNVV của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn hiện nay.
Cũng trong quá trình hợp tác này, phía Nhật Bản thường xuyên cử các chuyên gia tình nguyện sang Việt Nam tiến hành tập huấn cho doanh nghiệp nội địa nhằm thay đổi cung cách quản lý, tổ chức sản xuất, đạt được tiêu chuẩn nhất định, từ đó giúp các DNNVV có thể tham gia chuỗi giá trị cung ứng cho doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam.
Từ việc tiếp thu các ý kiến đóng góp và đặc biệt là các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới, liệu Luật Hỗ trợ DNNVV có đạt được mục tiêu đã đặt ra là hỗ trợ đúng và hiệu quả khu vực này?
Ban soạn thảo chúng tôi đã và đang nỗ lực tìm kiếm những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất để có thể hoàn thiện Luật theo hướng đem lại hiệu quả cao, trợ giúp quá trình phát triển của doanh nghiệp và quốc gia.
Theo tôi, không thể quá cầu toàn, yêu cầu sự hoàn hảo của Dự thảo Luật. Cần phải để các quy định đi vào cuộc sống, qua đó, chúng ta sẽ tiếp tục kiểm chứng những chính sách đã xây dựng là đúng và đủ hay chưa để có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nhất với thực tế. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia có kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV trong thời gian dài, cũng phải trải qua 3 - 4 lần sửa đổi về chính sách cũng như luật pháp ở từng thời kỳ cho phù hợp với thực tiễn mới có được những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả như hiện nay.
Luật hỗ trợ DNNVV dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 tới đây, chúng tôi rất hy vọng được các đại biểu Quốc hội ủng hộ và sớm thông qua ban hành Luật, bởi càng sớm ban hành thì càng có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Cần nghiên cứu về việc quy định thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV tại Trung ương và địa phương"
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Luật Hỗ trợ DNNVV cần chú trọng hơn đến việc hỗ trợ “đầu vào” như mặt bằng, khoa học công nghệ, các thủ tục đăng ký chuyển quyền về tài sản từ hộ kinh doanh thành tài sản của doanh nghiệp (đây là vấn đề hiện có nhiều vướng mặc liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự, Luật Thuế…). Bởi lẽ, “đầu vào” có tốt, thông thoáng thì “đầu ra” mới thuận lợi, mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, việc hỗ trợ như vậy sẽ mang tính khả thi cao hơn do không mất quá nhiều nguồn lực.
Bên cạnh đó, Luật cần nghiên cứu về việc quy định thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV tại Trung ương và địa phương. Phải làm sao để các cấp ngành coi việc hỗ trợ đối tượng này thực sự là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, không phải chỉ là chuyện “hô khẩu hiệu”, nói cho có hoặc thậm chí để “tận thu”. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hỗ trợ phải công khai các nguồn lực, cũng như chính sách để doanh nghiệp tự căn cứ vào đó đăng ký được hỗ trợ, tránh tình trạng “xin - cho”.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn đến các hội, hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó có việc UBND các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện, đưa đại diện của hội, hiệp hội vào tham gia các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của tỉnh, của ngành… và thực sự lắng nghe, giúp đỡ họ.
"Dự thảo Luật chỉ ghi nhận 06 trường hợp Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn luật này là điều rất tiến bộ so với các dự thảo trước đây"
PGS. TS Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp
Dự thảo Luật đã hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành các điều khoản trong luật.
Việc Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn một số điều, khoản của các luật nói chung và luật này nói riêng là chuyện bình thường. Đây là điều khó tránh khỏi trong hoàn cảnh năng lực lập pháp và các điều kiện làm việc khác của Quốc hội nước ta còn nhiều hạn chế. Vấn đề là làm sao để khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thì tất cả các văn bản do Chính phủ và các cơ quan khác có trách nhiệm ban hành để hướng dẫn luật này đều phải có hiệu lực, đảm bảo tính được thực thi ngay của các biện pháp hỗ trợ mà Nhà nước đã dành cho DNNVV. Việc Dự thảo Luật chỉ ghi nhận 06 trường hợp Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn luật này là điều rất tiến bộ so với các dự thảo trước đây.