Mong Quốc hội sớm thông qua
Từ thực tiễn cần có hệ thống cơ chế đồng bộ hỗ trợ cho DNNVV phát triển hiệu quả, năng động, qua đó có đóng góp ngày càng quan trọng hơn cho nền kinh tế, ngoài khẳng định tính cần thiết của việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội cần sớm thông qua luật này.
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cũng như cơ quan thẩm tra. So với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Dự thảo mới đã loại bỏ Điều 30 và cơ cấu lại Điều 26, cấu trúc lại và sửa đổi theo hướng tập trung hơn sự hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm…
Việc hỗ trợ DNNVV cần có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng, có hiệu quả, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo luật này...”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất.
Bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nhìn nhận, Dự thảo Luật đã đưa ra hệ thống biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNNVV thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia, nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, Dự thảo Luật lần này trình bày khá rõ từng nội dung cũng như thủ tục, đặc biệt những nội dung hỗ trợ DNNVV, nội dung chung cũng như nội dung riêng liên quan tới hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Làm rõ hơn tiêu chí xác định DNNVV
Một nội dung thu hút sự quan tâm của cả giới kinh doanh lẫn các đại biểu Quốc hội là tiêu chí xác định DNNVV, bởi liên quan đến đối tượng nào sẽ được hay không được thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.
“Tôi đề nghị không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn, bởi tiêu chí này chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối cùng của doanh nghiệp, không phản ánh thực chất việc phân loại doanh nghiệp và luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, bên cạnh tiêu chí lao động, chỉ nên xác định thêm tiêu chí doanh thu là phù hợp...”, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề xuất.
Việc hỗ trợ DNNVV cần có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng, có hiệu quả, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo luật này...
- Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Liên quan đến nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhìn nhận, theo khái niệm nêu tại Dự thảo, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh...
Khái niệm này chưa làm rõ được những doanh nghiệp nào thuộc loại này, mô hình kinh doanh mới là như thế nào? Khả năng tăng trưởng nhanh được hiểu ra sao? Điều này dẫn đến đối tượng được xác định là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để được hưởng hỗ trợ không thống nhất giữa các cơ quan, doanh nghiệp...
“Do đó, tôi đề nghị làm rõ khái niệm và cách hiểu về DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra những tiêu chí cụ thể mang tính định lượng...”, ông Đồng đề xuất.
Cho rằng việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết và cấp bách, theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), Khoản 1, Điều 4 Dự thảo quy định các tiêu chí để xác định DNNVV, các tiêu chí này được áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp, mà không phân biệt theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thực tế, do có sự khác biệt về tính chất của các lĩnh vực kinh tế, nên quy mô về vốn lao động, doanh thu của doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực có sự khác biệt lớn.
Ví dụ, doanh nghiệp nông nghiệp thường ít vốn, ít doanh thu, nhưng lao động lại nhiều, trong khi doanh nghiệp thương mại dịch vụ có thể ít lao động, ít vốn, nhưng doanh thu lớn. Điều này có nghĩa là việc quy định tiêu chí riêng theo từng lĩnh vực kinh tế là phù hợp. Do vậy, đề nghị kế thừa các quy định của Nghị định 56/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV, để quy định vào Luật tiêu chí riêng phân theo lĩnh vực kinh tế cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực.
Hỗ trợ cần đi liền với bảo vệ
Liên quan đến cơ chế hỗ trợ DNNVV, đại biểu Trần Thị Hằng nhìn nhận, đối với hoạt động của các DNNVV, các quỹ hỗ trợ có vai trò rất quan trọng. Theo Báo cáo giải trình, hiện có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập tại các địa phương, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cần tìm cách khắc phục tình trạng này, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn...
“Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào các chuỗi, cụm liên kết hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế. Do đó, trong hoạt động mua sắm công cần có những gói thầu có quy mô phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, để họ có cơ hội tham gia thông qua hình thức đấu thầu công khai, tạo điều kiện cho họ tham gia chuỗi cung ứng mua sắm công để phát triển...”, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Dự thảo chỉ quy định miễn, giảm phí tư vấn, phí sử dụng dịch vụ tư vấn đối với DNNVV trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Vậy các lĩnh vực khác như thương mại, xây dựng hay dịch vụ sẽ không nhận được sự hỗ trợ này? Điều này là chưa bình đẳng giữa các DNNVV trong các lĩnh vực khi tiếp nhận hỗ trợ. Cần quy định lại nội dung này theo hướng: DNNVV được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
“Tôi cho rằng, nên bổ sung vào Dự thảo theo hướng bộ, cơ quan ngang bộ nào xây dựng mạng lưới tổ chức tư vấn viên thì bộ, cơ quan ngang bộ đó quy định cụ thể vấn đề miễn, giảm phí tư vấn. Như thế sẽ đảm bảo tính khả thi...”, ông Tám đề xuất.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ, ý kiến từ đại biểu Quốc hội còn cho rằng, cần có cơ chế bảo vệ DNNVV. Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết, tại kỳ họp thứ 2, bà đã đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu, bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ DNNVV khỏi những hậu quả bất lợi do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo.
“Từ thực hiễn hoạt động của chính mình, cũng như những gửi gắm, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, tôi kiến nghị về sự cần thiết luật hóa một số giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết 35 của Chính phủ như quy định về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không quá 1 lần/năm. Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...”, bà Hiền kiến nghị.
"Kỳ vọng khi Luật đi vào cuộc sống sẽ hỗ trợ DNNVV phát triển mạnh mẽ"
Phó chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển
Luật chủ yếu nêu những vấn đề mang tính nguyên tắc cốt lõi về nội dung hỗ trợ DNNVV, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc hỗ trợ cụ thể về thuế, đất đai và các chương trình hỗ trợ tín dụng sẽ do các luật quy định và do nghị định quy định.
Một số ý kiến thống nhất Dự thảo Luật chỉ quy định về 3, trong đó có 2 quỹ đang hoạt động và hình thành 1 quỹ mới. Tuy nhiên, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động của các quỹ để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn. Ngoài ra, về số lượng quỹ, phương thức thành lập, quản lý và hoạt động của quỹ cũng cần quy định cụ thể trong Luật.
"Cộng đồng doanh nghiệp rất mong Luật ra đời”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi cảm nhận được đều chung một quan điểm là tập trung và cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho xây dựng đất nước.
Từ quan điểm đó, chúng tôi cho rằng, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều hợp lý và sẽ nghiêm túc để tiếp thu đầy đủ nhất. Tuy nhiên, có một số ý kiến, trong quá trình soạn thảo đã có nghiên cứu, nhưng trong thực tế khó có thể đưa vào để luật hóa, hoặc có những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp, nên cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa, nhưng không phải là tất cả những ý kiến của các đại biểu.
Đây là lần đầu tiên chúng ta ban hành một luật để hỗ trợ cho DNNVV. Trong khi trên thế giới, nhiều quốc gia đã sớm ban hành luật này, chẳng hạn: Nhật Bản ban hành từ năm 1963, Hàn Quốc từ năm 1965…
Với chúng ta, bây giờ mới ban hành là quá chậm. Đây là cơ hội tốt nhất để làm cơ sở pháp lý quan trọng, đầy đủ cho triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đang hết sức quan tâm luật này ra đời.