Tiếp nối hành trình Đổi mới
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng vào đúng thời điểm Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì thế, dù Dự thảo Luật phải tới tháng 10 năm nay mới chính thức được trình ra Quốc hội lần đầu tiên và nhiều khả năng phải đến giữa năm sau mới được xem xét thông qua, song dư luận đã ngay lập tức tìm ra sợi dây gắn kết kỳ diệu giữa hai dự luật này và cho rằng, hai dự luật đã và sẽ ghi nhận những bước đột phá về tư duy chiến lược phát triển của Việt Nam.
Ba mươi năm trước, vào cuối năm 1987, khi Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua, nền kinh tế Việt Nam chìm trong vòng xoáy khủng hoảng, với lạm phát phi mã, sản xuất và lưu thông chậm phát triển, làm không đủ ăn… Khi ấy, Việt Nam vẫn bị cấm vận kinh tế, quan hệ đối ngoại hầu như chỉ bó hẹp trong khung khổ Hội đồng Tương trợ kinh tế với 12 nước xã hội chủ nghĩa (cũ).
Quan điểm xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là sẽ tạo các thể chế, chính sách vượt trội so với hiện nay và đảm bảo cạnh tranh với khu vực và quốc tế
So sánh với hiện tại thì hẳn nhiên đã rất khác. Bởi sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, xét cả về vị thế và quy mô nền kinh tế, Việt Nam đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thành tựu của 30 năm Đổi mới là điều đã luôn được khẳng định.
Nhưng nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần trầm ngâm rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh thấp. Và rằng, việc khai thác các tiềm năng tĩnh, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước, những động lực đổi mới đã đến ngưỡng giới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế...
Vì thế, việc xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, là hết sức cần thiết. Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là nền tảng quan trọng để thiết lập mô hình phát triển mới đó - các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Vân Đồn, ở Bắc Vân Phong và ở Phú Quốc.
Ba mươi năm trước, ngay sau khi được ban hành, Luật Đầu tư nước ngoài đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tư duy đột phá chiến lược của Việt Nam trong sẵn sàng mở cửa cho các đối tác nước ngoài đã kéo theo hơn 308 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam kể từ thời điểm đó tới nay. Dù mới chỉ hơn phân nửa số ấy được giải ngân, nhưng tất cả các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận, không có đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam không thể có bước phát triển nhanh ngày hôm nay.
Một góc Vân Đồn
Những kỳ vọng tương tự cũng đang được đặt vào Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dù luật này không có phạm vi điều chỉnh lớn như Luật Đầu tư nước ngoài từ 3 thập kỷ trước, mà chỉ đối với 3 đặc khu kinh tế. “Chúng sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong các năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.
Nhưng hơn cả chuyện thu hút đầu tư đơn thuần, sự hình thành 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong, dựa trên nền tảng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sẽ góp phần quan trọng kiến tạo những cực tăng trưởng mới, với tốc độ cao và duy trì trong một thời gian ổn định; tạo ra được giá trị mới và giá trị gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bước đột phá chiến lược
Khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắt đầu được dự thảo, có một câu chuyện đã luôn được nhắc tới. Đó là, các nước trên thế giới hiện nay có xu thế chủ động tạo dựng “sân chơi mới”, chủ động kiến tạo phát triển qua việc thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới, với thể chế, chính sách vượt trội, hướng trọng tâm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việt Nam cũng phải bắt kịp xu thế đó, chủ động xây dựng, kiến tạo một mô hình đặc khu kinh tế mới, với những thể chế, chính sách vượt trội, với môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để cạnh tranh và hợp tác phát triển.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược còn nhiều lần khẳng định rằng, việc này đáng lẽ phải làm từ lâu. Chuyên gia này nhắc tới ý tứ mà TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng so sánh - đó là xây dựng đặc khu kinh tế chẳng khác nào xây tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng - để nhấn mạnh rằng, xây dựng đặc khu kinh tế, muốn vời phượng hoàng đến, mà lại làm tổ như cho chim sẻ thì không được.
Một góc khu kinh tế Bắc Vân Phong
Không nói tới chim sẻ hay phượng hoàng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ khẳng định một điều, quan điểm xây dựng Luật là sẽ tạo các thể chế, chính sách vượt trội so với hiện nay và đảm bảo cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Và đúng như “lời hứa” của Bộ trưởng, khi những điều luật đầu tiên của Dự thảo Luật được hé lộ, đã bắt đầu nhận thấy những sự vượt trội và đột phá. Từ chuyện tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi, thông thoáng thông qua việc thu hẹp ngành nghề kinh doanh xuống chỉ còn 69 ngành nghề; hay xây dựng thủ tục đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được phân cấp đủ thẩm quyền cho việc cung cấp dịch vụ hành chính một cửa tại chỗ…
Rồi chuyện cho phép thời hạn sử dụng đất tới 99 năm đối với một số ngành nghề ưu tiên phát triển. Hay tăng thời hạn miễn, giảm thuế, áp dụng chính sách bầu trời mở. Thậm chí, đề xuất áp dụng mô hình cơ quan hành chính không có hội đồng nhân dân…
Các cơ chế, chính sách này được đánh giá là cao hơn, vượt trội và cũng thuận lợi hơn so với các quy định hiện hành áp dụng đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Thậm chí, các cơ chế, chính sách này cũng được đánh giá là tương đương, hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore...
Có thể, không thể so sánh với các quần đảo BVI và Cayman hay Khu thương mại tự do Dubai (tại UAE)..., nhưng thể chế, chính sách cho “phượng hoàng tới làm tổ” thì đã có, ít nhất là trên Dự thảo Luật.
Ở đây, chưa bàn tới từng điều luật cụ thể, bởi tất cả mới chỉ đang là đề xuất, sẽ còn góp ý, thảo luận và chỉnh sửa. Điều quan trọng nhất là bước đột phá trong tư duy chiến lược phát triển của Việt Nam. Đầu tiên là chấp nhận một mô hình phát triển mới - đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để từ đó xây dựng khung khổ pháp lý mới cho sự phát triển của mô hình này.
Dù dư luận vẫn gọi là các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhưng nói chính xác, đó là các “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Có nghĩa rằng, các đơn vị này không chỉ là đặc khu kinh tế, mà còn là những đặc khu hành chính. Vị trí chiến lược, đặc biệt của cả 3 đặc khu này cho phép Việt Nam có thể thực hiện các cơ chế, chính sách mới, đột phá, đặc biệt về kinh tế - xã hội.
Và chấp nhận các thể chế, chính sách vượt trội, chứ không chỉ là ưu đãi vượt trội. Trao đổi điều này, chuyên gia Vũ Thành Tự Anh khẳng định, đó mới là điều quan trọng nhất. Bởi nếu chỉ là ưu đãi vượt trội, có thể dẫn tới hệ quả ngược, đó là chỉ thu hút được các doanh nghiệp “chân chạy”, chạy từ chỗ này qua chỗ khác, từ nước này qua nước khác để tìm kiếm ưu đãi vượt trội. Quá trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam đã cho thấy bài học kinh nghiệm về những nhà đầu tư đến Việt Nam để “hớt váng” ưu đãi...
Hiện thực hóa giấc mơ đặc khu
Mới chỉ là dự thảo đầu tiên của một dự luật được xây dựng trong một thời gian rất ngắn, khiến Ban Soạn thảo Luật phải làm việc đêm ngày. Nghe nói, Tổ Tư vấn, bao gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu, cũng đã thường xuyên có mặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng thảo luận, phác thảo từng điều luật.
Nhưng ngay bản dự thảo đầu tiên đã được đánh giá cao. Vì thế, dư luận đang kỳ vọng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ sớm góp phần hiện thực hóa giấc mơ xây dựng các đặc khu hành chính - kinh tế của Việt Nam, biến Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong trở thành những cực tăng trưởng mới của đất nước.
“Trong chung có riêng” là điểm đặc biệt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ngoài các quy định áp dụng chung, lại có những quy định riêng áp dụng cho từng đặc khu, phù hợp với định hướng phát triển chiến lược của mỗi đặc khu đó. Ví dụ, với Vân Đồn, sẽ là các chính sách để biến nơi này thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo; trung tâm dịch vụ hàng không, cảng biển, logistics, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế...
Với Phú Quốc, sẽ là thể chế, chính sách để phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại; hội nghị, triển lãm; trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp... Còn Bắc Vân Phong, sẽ có cơ chế để phát triển cảng biển nước sâu; dịch vụ logistics cảng biển; hình thành trung tâm thương mại - tài chính - dịch vụ cảng biển tự do…
Cả ba đặc khu này, để đảm bảo có tầm nhìn phát triển dài lâu, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thuê tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch. Các nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực cũng đã bắt đầu xuất hiện, đủ để đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành các đặc khu kinh tế…
Trung Quốc đã mất 30 năm để biến làng chài thành Đặc khu kinh tế Thâm Quyến phát triển như ngày hôm nay. Năm ngoái, đặc khu này đạt tổng GDP tới 294 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Việt Nam...
Việt Nam cũng đã có 30 năm để tiếp tục hành trình Đổi mới, từ Luật Đầu tư nước ngoài đến Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Liệu có thể kỳ vọng một tương lai phát triển rực rỡ của Việt Nam trong viễn cảnh gần?