ĐHCĐ lần đầu chỉ 51%
Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định trong công ty đã tỏ ra lạc hậu, không còn phù hợp yêu cầu nhanh nhạy và linh hoạt trong kinh doanh, làm cho việc ra quyết định của công ty trong một số trường hợp kéo dài, tốn kém, thậm chí không thông qua được. Chẳng hạn, yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ hoặc hội đồng thành viên tới 3 lần, quy định bắt buộc áp dụng nguyên tắc dồn phiếu đối với bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát đối với công ty cổ phần...
Tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định trong công ty cổ phần là 65% hiện nay được cho là cao so với thông lệ quốc tế, không đạt được mục tiêu bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, tạo ra sự cứng nhắc và tốn kém quá mức về thời gian và tiền bạc trong việc tổ chức họp và ra các quyết định của ĐHCĐ, nhất là đối với các công ty niêm yết và công ty đại chúng, gây bất lợi cho cả công ty và cổ đông.
Vì thế theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cuộc họp ĐHCĐ lần thứ nhất được tiến hành “khi số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. Lần triệu tập thứ 2 tỷ lệ này chỉ cần 33%.
Tỷ lệ biểu quyết thông qua các nghị quyết, quyết định của ĐHCĐ được quy định giảm xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt”, thay cho tỷ lệ 65 và 75% hiện nay.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng áp dụng thống nhất thời hạn thanh toán đủ phần vốn góp, cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho mọi loại hình doanh nghiệp, rút ngắn hơn so với thời hạn quy định trước là 3 năm.
5 ngày để thành lập DN
Theo Ngân hàng Thế giới, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh tại Việt Nam còn tốn kém thời gian và chi phí. Năm 2013, để khởi sự kinh doanh cần thực hiện 10 thủ tục với tổng thời gian khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109/189 quốc gia và nền kinh tế.
Liên quan đến các sửa đổi thủ tục thành lập doanh nghiệp, Dự thảo Luật đề xuất không ghi ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện) trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây được xem là nội dung có tính bước ngoặt đối với hoạt động doanh nghiệp, nhưng xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều thắc mắc và ý kiến trái chiều.
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý quan điểm “mở” trong đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn e ngại điều kiện đăng ký quá đơn giản. Theo ông Ngân, Ban soạn thảo nên xem xét việc đưa lý lịch tư pháp vào hồ sơ đăng ký kinh doanh thay vì chỉ cần CMND như hiện nay. Điều này vừa đảm bảo được quyền tự do kinh doanh, nhưng doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sỹ Kiêm đặt câu hỏi: “Nếu bỏ ghi ngành nghề vào Giấy đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp có thể ghi chung rằng làm những gì pháp luật không cấm?”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích, không ghi ngành nghề vào Giấy đăng ký kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh biết mình sẽ làm lĩnh vực gì. Doanh nghiệp có thể đăng ký 100 lĩnh vực và khi muốn đăng ký thêm lĩnh vực thứ 101 thì cần thông báo bằng hình thức đơn giản là qua mạng, chứ không cần làm thủ tục điều chỉnh Giấy đăng ký kinh doanh như hiện nay.
khuyến khích các DN vì mục tiêu xã hội
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, hiện số doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội (DNXH) đang ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Theo điều tra sơ bộ, chỉ riêng tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng đã có khoảng vài trăm DNXH, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, môi trường… Tuy nhiên, cho đến nay, loại hình doanh nghiệp này vẫn chưa có luật nào điều chỉnh và chưa được thừa nhận về mặt pháp lý.
Theo Thứ trưởng Đông, sự khác biệt lớn nhất của loại hình doanh nghiệp này là phần lớn lợi nhuận được tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký, không chia hết cho thành viên, cổ đông.
“Chủ sở hữu, người quản lý DNXH mong muốn được thừa nhận về mặt pháp lý và có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH”, ông Đông nói.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP. HCM, thể hiện sự đồng tình và ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, TS. Lịch cho rằng, việc chưa có luật chi phối đã dẫn đến thực trạng tại nhiều DNXH, trong khi các Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc được hưởng mức lương trần, thì người lao động lại phải “trả treo” từng đồng.
“DNXH là điểm mới được đưa vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhưng nội dung được đề cập chưa chi tiết, chẳng hạn như các quy định nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa DNXH và các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận xét.
Một số đại biểu lo ngại, nhiều doanh nghiệp là tập đoàn lớn khi lỗ, hoặc lãi giảm mạnh thường “đổ lỗi” do phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Một số lại lách luật để hưởng các chính sách ưu đãi đối với DNXH. Chính vì vậy, theo nhiều ý kiến tại cuộc họp, cần tách bạch DNXH và doanh nghiệp kinh doanh, nhất là đối với DNNN, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhiệm vụ xã hội của các doanh nghiệp. Đồng thời, làm rõ cách tính mức thuế, hưởng ưu đãi, hay vấn đề DNXH có bao hàm doanh nghiệp công ích hay không.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, không phải tất cả các DN làm công ích đều được xem là DNXH. Đã là DNXH thì phải dồn toàn bộ nguồn lực để phục vụ lợi ích xã hội. Đó là lý do vì sao trong Dự thảo có nội dung quy định: “ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của DN phải được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký”. Đáp ứng được các điều kiện đó mới được hưởng các ưu đãi, không phân biệt có phải là DNNN hay không.
“DNNN cũng phải tuân theo quy luật thị trường, không có chuyện có bầu trời riêng”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.
DNNN có nên để trong Luật Doanh nghiệp?
Các đại biểu cũng nêu một số băn khoăn về đối tượng DNNN được quy định trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) như thế nào?
Ông Trần Du Lịch cho rằng, cần tách riêng “Chương 4: Doanh nghiệp nhà nước” trong một luật riêng. Bởi nếu DNNN tham gia với tư cách nhà đầu tư thì phải tuân thủ luật chung, chứ không thể “thiếu sòng phẳng” khi mà DNNN trách nhiệm hữu hạn nhưng doanh nghiệp tư nhân lại trách nhiệm vô hạn. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận là theo tư cách cổ đông, chứ không phải tư cách Nhà nước.
“Hiện vẫn còn tình trạng công ty mẹ là Nhà nước, khi mẹ đầu tư vào con thì cũng là sở hữu của Nhà nước. Quan niệm này không đúng và cần thay đổi, bởi Nhà nước sở hữu vốn tại công ty mẹ chứ không phải sở hữu tài sản tại công ty mẹ”, TS. Lịch nói.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, các quy định về DNNN không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhưng vẫn phải lồng ghép vào các mục như công ty TNHH MTV là DNNN, còn chi tiết thì dẫn chiếu vào Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op có băn khoăn, trong CTCP có sự tham gia của nhiều cổ đông Nhà nước, mỗi cổ đông không nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng tổng cộng lại chiếm trên 51% vốn điều lệ thì có được xem là DNNN?
Ban soạn thảo cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.