Gỡ nút thắt cơ chế
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn.
Trên thực tế, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay, Luật Dầu khí hiện hành được ban hành năm 1993 và sau đó được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trước đây đã góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt.
Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước.
Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%, 10 - 13% GDP cả nước).
Ngoài vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.
“Tuy nhiên cùng với thời gian, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ra đời sau Luật Dầu khí sửa đổi đã khiến cho có nhiều quy định bị chồng chéo, trùng lắp khiến cho việc kêu gọi đầu tư vào ngành dầu khí thời gian gần đây chững lại”, ông Thập nói.
Trên thực tế, bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Nguyên do, hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành.
Theo các chuyên gia, thực tế trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc quy định nhưng chưa bao trùm được một số vấn đề thực tế mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, các chủ thể liên quan được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các Luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí nên rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.
Mặt khác, quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành trong một số trường hợp chưa phù hợp với quy định của các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước đó hoặc không thống nhất, đặc biệt là các quy định có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh, tiềm ẩn các rủi ro pháp lý.
Trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các Hợp đồng Dầu khí, các nhà thầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) hoặc doanh nghiệp 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí PVEP) bên cạnh việc phải tuân theo các quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí như các nhà thầu nước ngoài khác, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác của Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp... Do có sự khác biệt này nên quá trình triển khai các dự án dầu khí của PVN và PVEP trong thời gian vừa qua đã gặp một số vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các thủ tục đầu tư đối với dự án dầu khí.
Theo các chuyên gia, nếu không sớm sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách, rất khó có thể hiện thực hóa giá trị tài nguyên dầu khí thành nguồn lực để phát triển kinh tế.
Tạo đà để ngành dầu khí tăng sức mạnh
Trong Kết luận tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vào tháng 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nguyên tắc phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.
Về phía Bộ Công thương cũng cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết). Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất, thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Đáng chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ 25% - 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% - 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí. Đồng thời, mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng dầu khí theo hướng linh hoạt hơn, nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn…
Đánh giá cao những sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian, theo các chuyên gia, nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư.
Cạnh đó, ban soạn thảo đã nghiên cứu, đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…