Luật Đất đai và 'ngoại lệ' về đất rừng

0:00 / 0:00
0:00
Dành Điều 248 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp và điều này có hiệu lực thi hành sớm hơn 9 tháng, Luật Đất đai (sửa đổi) đã có “ngoại lệ” để đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Theo Luật Lâm nghiệp hiện hành, không ít dự án đầu tư công có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên mất khá nhiều thời gian để được phê duyệt.

Theo Luật Lâm nghiệp hiện hành, không ít dự án đầu tư công có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên mất khá nhiều thời gian để được phê duyệt.

Tăng phân cấp, phân quyền

Với 16 chương và 260 điều, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 (hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024.

Điều 248 sửa đổi khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp từ “không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”, thành “không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định”.

Điều 20, Luật Lâm nghiệp đang quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo 3 cấp, gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh với hạn mức của từng loại rừng cụ thể.

Nay, được sửa đổi thành: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Dầu khí”.

Đề xuất hiệu lực thi hành sớm với Điều 248, Chính phủ lý giải, Điều 20, Luật Lâm nghiệp quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo 3 cấp, gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và HĐND cấp tỉnh. Đặc biệt, các dự án quan trọng, cấp thiết có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp.

Vì vậy, đối với dự án đầu tư công hiện nay, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia về giao thông - vận tải, dự án đường cao tốc Bắc - Nam, dự án truyền tải điện 500 kv..., phải mất rất nhiều thời gian để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến các công trình chậm được đưa vào sử dụng, chậm đem lại hiệu quả đầu tư của dự án.

Chính phủ dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại, có khoảng 40 dự án đầu tư công có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng phải được Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương và điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

Việc sửa đổi về thẩm quyền tại Điều 248 như trên, theo Chính phủ, để thực hiện chủ trương chung là tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương và đảm bảo sự đồng bộ với thẩm quyền cho phép chuyển mục đích đất rừng của Luật Đất đai (sửa đổi).

“Chính phủ đề nghị cho phép Điều 248 có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024 để rút ngắn thời gian quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông và truyền tải điện, các dự án đầu tư công. Từ đó làm tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho dự án, các dự án sớm đi vào hoạt động sẽ sớm phát huy quả và thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”, báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải.

Bên cạnh đó, Điều 248 còn sửa đổi và bổ sung Điều 53, Luật Lâm nghiệp quy định nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng.

Chính phủ nêu rõ, hiện nay, nhu cầu về trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên cả nước là rất lớn và cấp thiết, đặc biệt là nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa sống gần rừng. Việc này nhằm phát triển cây dược liệu thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành y - dược gắn với bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hướng dẫn rõ ràng, tránh vướng mắc

Nhất trí với “ngoại lệ” trên, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tương ứng bảo đảm khả thi, rõ ràng, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Với nhiều vị đại biểu Quốc hội, kể cả trước và sau khi bấm nút thông qua, thì tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn là nỗi lo canh cánh.

Bởi, trên thực tế, một số dự án đầu tư công có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng nếu vướng dù chỉ 1 mét vuông đất rừng tự nhiên, thì thủ tục đầu tư kéo dài hàng năm trời vẫn chưa xong.

Chưa kể, có trường hợp phần diện tích rừng sản xuất đã giải phóng xong hoàn toàn, nhưng trong khi chờ giải phóng nốt phần diện tích rừng tự nhiên để triển khai thi công, thì lại bị người dân tái lấn chiếm để sản xuất, dẫn đến tranh chấp rất khó xử lý, khiến thời gian chuẩn bị đầu tư đã dài lại càng dài hơn.

Quan tâm góp ý những quy định liên quan đến đất rừng ngay từ khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới được trình Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, quy định “ngoại lệ” ở Luật Đất đai mới là rất cần thiết. “Nhiều dự án mất đến trên dưới 2 năm trời lo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là thực tế rất nhức nhối, tại không ít địa phương”, vị đại biểu Quảng Trị nhấn mạnh.

Ông Hà Sỹ Đồng kể, khi thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, ông và một số vị đại biểu khác đã góp ý, việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay không phát huy được sự chủ động, sáng tạo và làm giảm cơ hội thu hút đầu tư của địa phương. Vì thế, sửa đổi Luật Đất đai là cơ hội để phân cấp triệt để, mạnh mẽ, thực sự khơi thông nguồn lực đất đai.

“Khi đó, Thủ tướng ở cùng tổ thảo luận cũng rất đồng tình với quan điểm cần rà soát lại việc phân cấp, phân quyền đang rất vướng trong thực tế. Thủ tướng dẫn quy định hiện nay là chuyển mục đích sử dụng 10 ha đất lúa, 20 ha đất rừng mà phải lên đến Thủ tướng, thì phải qua một quy trình rất nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, lãng phí về nguồn lực, lãng phí về cơ hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhớ lại.

Quy định mới tại Luật Đất đai (sửa đổi), theo ông Đồng, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Nhưng với các dự án do cấp tỉnh, cấp huyện làm chủ đầu tư, thì vẫn phải chờ hướng dẫn chi tiết hơn của các văn bản dưới luật.

“Luật quy định: không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định, tức là địa phương vẫn phải chờ Chính phủ hướng dẫn chi tiết”, ông Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.

Mở rộng không gian phát triển ra biển

Cùng có hiệu lực sớm với Điều 248, Luật Đất đai (sửa đổi) là Điều 190 về hoạt động lấn biển. Khoản 6 của điều này quy định: “Việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển đến 3 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Đối với phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển, thì thực hiện giao khu vực biển để lấn biển, dẫn đến trong cùng một dự án lấn biển phải thực hiện 2 thủ tục khác nhau.

Quy định tại khoản 6, Điều 190, Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chính phủ, sẽ giúp rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lấn biển, thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án này, phát triển hạ tầng và mở rộng không gian phát triển, tạo động lực cho nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án lấn biển. Việc này sẽ tăng thu ngân sách nhà nước tại thời điểm giao đất, cho thuê đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin bài liên quan