Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ.

“Luật chơi” xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sản xuất xanh đang trở thành “luật chơi” bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia.

Quan tâm đến lối sống bền vững

Theo nghiên cứu của Nielsen IQ, thực hiện trong năm 2024, 16% người tiêu dùng Việt Nam đã coi tương lai bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ. Đặc biệt, 24% người tiêu dùng đang chú trọng đến lối sống bền vững trong những kế hoạch ngắn hạn.

Trong số các ưu tiên cá nhân ngắn hạn, 82% người tiêu dùng Việt đang tập trung vào việc cải thiện sức khỏe thể chất và hạnh phúc, đồng nghĩa họ không chỉ quan tâm đến việc chăm sóc bản thân mà còn lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường.

Xu hướng này ngày càng phát triển và dần trở thành một phần không thể thiếu trong tư duy của người tiêu dùng hiện đại, khi mà sự kết nối giữa sức khỏe cá nhân và tính bền vững của môi trường sống ngày càng rõ ràng hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy lo ngại về biến đổi khí hậu và tác động của môi trường hiện đang nằm trong 5 mối quan tâm hàng đầu, với 14% người tiêu dùng cho rằng đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

So với các số liệu trước đây, mối quan tâm này đang tăng dần, thể hiện sự nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

Một yếu tố quan trọng khác cần nhắc đến là việc người tiêu dùng bắt đầu chuyển dịch từ quan tâm cá nhân sang những vấn đề mang tính cộng đồng, trong đó tương lai bền vững đóng vai trò chủ chốt.

Trước đây, phần lớn người tiêu dùng chỉ quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân như sức khỏe, tài chính.

Giờ đây, họ đang bắt đầu nhìn nhận tầm quan trọng của các yếu tố bên ngoài như môi trường sống, sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Một số xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển tại Việt Nam có thể kể đến như sự gia tăng trong việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, tái chế, cũng như các dịch vụ thân thiện với môi trường.

Các xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra một áp lực lớn khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi.

Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, đến việc sử dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp đang dần nhận thức được rằng, để giữ chân người tiêu dùng, họ không chỉ cần cung cấp sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, mà còn phải chứng minh được sự cam kết trong việc bảo vệ môi trường.

Nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng bền vững, chẳng hạn như tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên vật liệu; tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí các-bon và gây ô nhiễm nguồn nước.

Các ngành chịu tác động lớn nhất từ xu hướng tiêu dùng xanh và quan tâm đến lối sống bền vững tại Việt Nam tiêu biểu có thể kể đến là thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), điện tử tiêu dùng.

Đặc biệt, với 82% người tiêu dùng quan tâm đến cải thiện sức khỏe và hạnh phúc như đã kể trên, các ngành thực phẩm và chăm sóc cá nhân ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ về sản phẩm an toàn, không hóa chất.

Sản xuất xanh: “Luật chơi” bắt buộc

Ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp thay đổi tư duy và kiên định chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm thông thường sang các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ nắm chắc tấm vé trong cuộc đua cạnh tranh.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Có 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Còn theo khảo sát của Nelsen Việt Nam, có khoảng 31% người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn cho sản phẩm được cung ứng bền vững.

Sản xuất xanh là xu thế và cũng là “luật chơi” bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia, nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là nguyên liệu có nguồn gốc sinh học. Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững, tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường.

Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, với khát vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Để thực hiện được điều này, hàng hóa Việt Nam phải tìm đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Tại các thị trường này, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững. Ngay trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng có nhiều nội dung tích hợp các vấn đề về môi trường trong quy định nhập khẩu hàng hóa.

Hiện nay, các nhãn hàng may mặc trên thế giới đang chạy đua trở thành nhãn hàng xanh, họ cũng mong muốn các nhà cung ứng xanh hóa. Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco đã xây dựng nhà máy xanh, nhà máy thông minh. Lãnh đạo Thagaco cho biết, đây là yêu cầu bắt buộc để Công ty gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, sản phẩm xanh là xu thế không thể đảo ngược trong ngành F&B. Các doanh nghiệp trong ngành đồ uống Việt Nam không ngừng đưa ra nhiều sáng kiến, trong chiến lược phát triển bền vững.

Theo Báo cáo Phát triển bền vững từ Nielsen IQ, doanh nghiệp trong tương lai sẽ phải đối mặt với những thay đổi quan trọng và áp lực lớn hơn từ phía người tiêu dùng cũng như các quy định liên quan đến môi trường.

Một trong những yếu tố đầu tiên cần chú trọng là quy trình đánh giá và hành động vì môi trường. Để đạt được cam kết bền vững một cách trung thực, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá mức độ ảnh hưởng tới môi trường, bao gồm lượng khí thải các-bon, sử dụng năng lượng và các tác động khác lên hệ sinh thái.

Điều này thường đòi hỏi sự can thiệp của các chuyên gia, hoặc sự hợp tác với các bên thứ ba, nhằm phát hiện ra những lỗ hổng và yếu tố cần cải thiện.

Doanh nghiệp không những cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, mà còn phải cải tiến chuỗi cung ứng, từ nguồn nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm, để đảm bảo họ đang hoạt động theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường.

Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển xanh là bao bì thay thế. Việc giảm thiểu sử dụng nhựa và các vật liệu khó phân hủy là một ưu tiên hàng đầu.

Các giải pháp bao bì thân thiện với môi trường như sử dụng chất liệu tái chế, bao bì phân hủy sinh học, hoặc giảm thiểu kích thước và khối lượng bao bì sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải và nâng cao hiệu quả vận chuyển. Đây không chỉ là một bước đi chiến lược về môi trường, mà còn là một yêu cầu bắt buộc từ phía người tiêu dùng và các cơ quan quản lý.

Xu hướng sử dụng nông nghiệp tái sinh và nguyên liệu thay thế sẽ trở nên phổ biến hơn. Nông nghiệp tái sinh với các phương pháp canh tác bền vững, giúp bảo vệ đất, nước và tài nguyên thiên nhiên, trong khi các nguyên liệu thay thế như protein thực vật, vật liệu sinh học sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo.

Các xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra một áp lực lớn khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, đến việc sử dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng.

Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đồng thời giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Tin bài liên quan