Luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu

Luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp nhiều khó khăn của thị trường đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam năm 2023 được dự báo vẫn vượt con số 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường là giữ vững và tiếp tục phát triển thì việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất

Chia sẻ tại Hội thảo “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” sáng nay (14/8) tại TP.HCM bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo…

Về thị trường, 8 tháng năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%; trong khi Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 27,4% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.

Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.

Đại diện Central Retail đang trao đổi với các đối tác tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2023

Đại diện Central Retail đang trao đổi với các đối tác tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2023

Trong số các sản phẩm nông sản, rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ sau hậu Covid-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác.

Dù các số liệu nêu trên cho thấy ngành nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tích cực, nhưng thách thức hiện vẫn còn rất lớn khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các Luật, các quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27.

Trên thực tế, EU là thị trường đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.

Cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu ngày càng chặt chẽ

Hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai. Ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu trái vải tươi vào thị trường này việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết. Điều này yêu cầu quá trình canh tác, trồng trọt cần tuân thủ nghiêm túc các quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu…

“Đây là một điểm yếu của hệ thống cung ứng trái vải tươi của Việt Nam, do hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có hệ thống sản xuất đồng bộ nhằm đảm bảo các điều kiện nói trên, trong khi thực tế tại Việt Nam mùa hè nóng, ẩm…”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, việc sử dụng bao bì chuyên dụng có khả năng điều tiết không khí và độ ẩm, ngăn chặn sự mất nước có thể kéo dài thời gian bảo quản của quả vải. Trên thực tế năm 2023, công ty Dragonberry (Hoa Kỳ) đã thành công trong việc duy trì chất lượng quả vải sau 31 ngày kể từ ngày thu hái đến khi lên kệ bày bán tại các siêu thị tại Hoa Kỳ là một phần nhờ sử dụng loại bao bì đặc biệt nhập khẩu từ Israel.

Đồng thời, việc áp dụng một số công nghệ xử lý bề mặt để làm giảm tổn thất nước và tăng độ bền của quả vải như sử dụng chất bảo quản tự nhiên như axit hữu cơ thực phẩm (chế phẩm V-treat của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã được thử nghiệm cho mùa vụ năm 2023) đã giúp ngăn chặn sự oxy hóa và nâng cao tuổi thọ của quả.

"Đối với việc tiếp cận thị trường, hợp tác với các nhà bán lẻ lớn (AEON,Safeway, Albersons, Winco…) như chúng ta đã làm được trong những năm vừa qua là một chiến lược quan trọng. Các chuỗi cửa hàng và siêu thị tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... đang ngày càng chú trọng vào việc cung cấp các loại trái cây tươi ngon và tự nhiên. Do đó, thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ này có thể mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh thêm.

Ngoài ra, để hạn chế những rủi ro tín dụng trong hợp tác/kinh doanh với doanh nghiệp tại EU nói riêng và nước ngoài nói chung, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, hiện nay, các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về đối tác, rà soát kỹ hợp đồng.

Trước khi giao dịch, doanh nghiệp cần thu thập đầy đủ thông tin về đối tác, bao gồm tư cách pháp nhân, tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng, uy tín của đối tác; sử dụng các hình thức thanh toán an toàn phù hợp với quan hệ đối tác (chuyển tiền bằng điện (TTR) trả trước, nhờ thu (D/A, D/P), ứng trước tiền hàng với giá trị lớn, L/C nhập khẩu...); doanh nghiệp cần tìm hiểu các nguyên tắc, thông lệ thanh toán quốc tế để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan...

Theo ông Cường, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có kế hoạch kinh doanh phù hợp, nhạy bén kịp thời điều chỉnh để đáp ứng được các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn mới.

Bên cạnh đó, thị trường EU đang đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trong vấn đề đảm bảo sản xuất, thu thập báo cáo dữ liệu sản xuất khi ban hành nhiều quy định mới về tiêu chuẩn môi trường, phát triển bền vững, các quy định mới như Quy định số 2023/1115 về lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, tập trung vào hàng hóa như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện, hóa chất hữu cơ và nhựa.

Ông Cường cho biết thêm, Vietcombank luôn dành nguồn lực đặc biệt để cho vay tài trợ các dự án xanh, chú trọng các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường bao gồm tài trợ vốn trung dài hạn. Gần nhất, vào tháng 3/2023, Vietcombank và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo.

Cần một sự thay đổi mang tính chiến lược về sản xuất lúa gạo

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, gạo là thực phẩm thiết yếu và nó không chỉ quan trọng đối với an toàn lương thực, mà việc sản xuất lúa gạo còn là nguồn sinh kế quan trọng đối với trên 150 triệu nông hộ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lúa gạo cũng vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” góp phần vào việc biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời trình bày tại Hội thảo
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời trình bày tại Hội thảo

Việc trồng và chế biến lúa gạo đang tạo ra lượng khí thải nhà kính đáng kể, bao gồm khí metan, oxit nitơ (N2O) và cacbonic (CO2) - 10% lượng khí thải metan toàn cầu và chiếm 25 - 33% lượng khí thải metan của khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Thói quen phơi khô lúa sau thu hoạch theo cách truyền thống (như phơi lúa trên đường, trên sân ở nông thôn) và hiệu quả xay xát gạo thấp (định mức thu hồi gạo xay xát so với đầu vào của lúa) ở nhiều quốc gia làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này.

“Tất cả những dữ liệu này cho chúng ta một thông điệp rõ ràng rằng, hiện nay, việc sản xuất lúa gạo đang không bền vững và chúng ta cần một sự thay đổi mang tính chiến lược”, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh.

Theo ông Thuận, khi nhìn nhận tính khẩn cấp của việc phát triển bền vững, các nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và toàn Tập đoàn triển khai chiến lược này trong các hoạt động hàng ngày của công ty. Chính vì thế, chiến lược của Tập đoàn là: Thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP - các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của Lộc Trời; Đào tạo nông dân thực hành các tiêu chí SRP với tiền thưởng để xây dựng thói quen; Mời cơ quan quốc tế xác minh và chứng nhận các chứng chỉ quốc tế…

Trong các nhà máy chế biến, Lộc Trời cũng đã nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch; Giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch: áp dụng kaizen trong 10 nhà máy của Lộc Trời để tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%; và áp dụng năng lượng mặt trời trong tất cả các nhà máy của Lộc Trời để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch…

“Hiện tại, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt điểm SRP100, được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo thế giới IRRI và các cơ quan kiểm định độc lập quốc tế và đã đạt số điểm tối đa này 4 năm liên tục kể từ 2020. Chứng nhận SRP100 này cũng mang đến cơ hội có tín chỉ carbon được xác nhận có thể giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế”, ông Thuận nhấn mạnh.

Tin bài liên quan