Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/11
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 12/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với vị trưởng ngành thứ ba là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng.
Nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng TTTT gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, nguồn thu quảng cáo của báo chí giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, đại biểu quan tâm đến cách thức để hỗ trợ cơ quan báo chí, trong đó nhấn mạnh công tác truyền thông chính sách như một lối mở để báo chí tăng nguồn thu.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn |
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng: "Nếu chúng ta cứ cấp kinh phí, cứ cấp ngân sách cho một số tờ báo và coi đó là "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi" thì rõ ràng chúng ta chưa quan tâm thực sự đến hiệu quả và ở góc độ nào đó chưa nhìn kỹ nội lực của báo chí, sự gắn bó mật thiết của báo chí với nhân dân.
Tôi không hiểu ngân sách chúng ta có thể bố trí bao nhiêu để nuôi các cơ quan báo chí. Chắc chắn đây sẽ là một khó khăn và nếu không phát huy được tốt nội lực của mình thì sự vươn mình của đất nước chúng ta cũng là một khó khăn".
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo.
Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay, thực tế khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách.
Bộ trưởng cho rằng cần cân nhắc, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không?
"Không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.
Tôi nghĩ là đi 2 chân, cả câu chuyện từ đặt hàng của Nhà nước đến câu chuyện chúng ta phải bám chặt chân vào thị trường độc giả, phải đi cho đều hai chân thì sẽ giữ được báo chí cách mạng", Bộ trưởng nói.
Luật Báo chí sửa đổi cho phép một số cơ quan báo chí kinh doanh nội dung
Cũng tham gia chất vấn về vấn đề kinh tế báo chí, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đó, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính.
Nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, chiếm tới 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (hiện có 880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm.
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, trong Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình.
Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 12/11 |
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí. Trong đó, cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông.
Đồng thời, quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Nâng chuẩn đội ngũ người làm báo
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, phải chăng, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mạng xã hội ra đời lấy mất nghề của báo chí vì mạng xã hội có hàng triệu "phóng viên" không mất tiền ở khắp mọi nơi.
Để tăng tính cạnh tranh, báo chí thay vì đưa tin phải phân tích đánh giá, đưa ra giải pháp, kể câu chuyện dẫn dắt, định hướng xã hội, định hướng dòng chảy chính trên không gian mạng.
Đây là định hướng chính để xác định lại vị trí vai trò của báo chí. Báo chí cần quay về giá trị cốt lõi của mình, làm khác mạng xã hội, coi mạng xã hội là môi trường, nền tảng để mình xuất hiện, phổ cập với giá trị tốt hơn...
Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, có dấu hiệu trục lợi. Song song đó là vấn đề đảm bảo hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt; tuy nhiên so với 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo, trên tổng số gần 45.000 người đang làm báo thì đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Đưa ra giải pháp xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát.
Bộ sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không.
Đồng thời, Bộ công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích.
“Nếu báo chí hoạt động không đúng thì cơ quan doanh nghiệp có quyền từ chối hợp tác, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”, Bộ trưởng nói và cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn để các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
"Tôi nghĩ rằng câu chuyện đạo đức nghề báo là câu chuyện cần được quan tâm. Một tiếng nói, một câu, một chữ của họ có thể tác động lan toả đến hàng triệu người. Đây là một nghề rất đặc biệt và vì thế các tiêu chuẩn phải rất đặc biệt. Luật Báo chí hiện hành quy định tiêu chuẩn phóng viên chưa cao lắm. Trong sửa Luật Báo chí sắp tới, rất mong Quốc hội quan tâm cho phép nâng tiêu chuẩn của người phóng viên lên", Bộ trưởng nhấn mạnh.