Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Văn Điệp và đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo cáo trạng, bị cáo Điệp không có nghề nghiệp ổn định nhưng đã dùng tên giả là Nguyễn Mạnh Hùng và tự giới thiệu là cán bộ Ngân hàng Quân đội (MB Bank).
Bị cáo Điệp nói với nhiều người là bản thân làm trong ngành ngân hàng nên có mối quan hệ quen biết rộng, có thể xin học, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan nhà nước.
Điệp đặt ra mức giá xin học là từ 200 – 300 triệu đồng, đặt cọc trước 100 triệu đồng. Trong vòng 1 tháng kể từ khi đưa hồ sơ và nộp tiền đặt cọc là có giấy báo nhập học hoặc quyết định đi làm. Khi đó thanh toán nốt số tiền còn lại.
Tổng cộng có 41 trường hợp đã nộp tiền cho Điệp để chạy học, chạy việc. Số tiền bị chiếm đoạt là hơn 8,6 tỷ đồng.
Đơn cử trường hợp anh Trần Văn Hồng (trú tại Đông Anh, Hà Nội) đã bị chiếm đoạt 200 triệu đồng khi muốn xin cho con trai vào học trường Trung cấp an ninh 1.
Trường hợp chị Trần Thị Huyền Anh muốn xin vào làm việc tại MB Bank chi nhánh Đông Anh, bị cáo Điệp đã nhận 170 triệu đồng thông qua trung gian. Đổi lại, bị cáo Điệp thuê người làm giả quyết định tiếp nhận cán bộ với tên chị Huyền Anh.
Đáng chú ý, bị cáo Điệp rất cẩn thận, tìm cách thu hồi là các quyết định giả nhằm xóa dấu vết.
Kết quả điều tra cho thấy, sau khi nhận được tiền từ các nạn nhân, bị cáo Điệp thuê Lê Văn Quân, chủ cửa hàng photocopy tại phố Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) làm giả các quyết định tiếp nhận công tác, các quyết định tuyển dụng của các cơ quan Nhà nước. Điệp giao lại quyết định cho các cá nhân trung gian để giao lại cho những người nhờ xin học, xin việc.
Sau khi nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, bị cáo Điệp sử dụng một số sim rác (không đăng ký tên) để gọi cho những người nộp hồ sơ. Điệp tự xưng là cán bộ của các cơ quan tuyển dụng Nhà nước, gọi điện để hướng dẫn mang giấy báo nhập học, quyết định tuyển dụng đến nộp.
Tiếp đó, Điệp đến đợi sẵn ở cổng trường, cổng cơ quan để thu lại các quyết định giả nhằm che giấu hành vi vi phạm.
Cơ quan điều tra xác định các cá nhân trung gian nhận hồ sơ rồi chuyển cho Điệp có hưởng tiền chênh lệch nhưng không biết việc Điệp làm quyết định giả, không biết việc lừa đảo và đã trả gần đủ số tiền Điệp chiếm đoạt. Cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ xác định các cá nhân này đồng phạm với bị cáo Điệp.
Được biết, do còn một số điểm chưa được làm rõ, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.