Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông MB mới đây, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công khẳng định: mục tiêu chiến lược đưa MB trở thành ngân hàng thuận tiện vào năm 2015 và nằm trong Top 3 ngân hàng cổ phần tốt nhất Việt Nam không chỉ là khát vọng của cổ đông, mà còn của cả Ban lãnh đạo Ngân hàng. Trong từng năm, MB xây dựng kế hoạch dựa trên mục tiêu chiến lược này và điều kiện thực tế của thị trường, với quyết tâm cao nhất từ người đứng đầu đến từng nhân viên MB.
Ấn tượng 2012
Đạt lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP (không tính các ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối) vào năm 2012, MB nhận được nhiều lời khen và sự ghi nhận của cổ đông Ngân hàng về “cái Tâm rất tốt”, “cái Tài rất giỏi” của người lãnh đạo. Dù còn một số việc vì những lý do khách quan MB chưa thực hiện được trọn vẹn trong năm 2012 như tăng vốn điều lệ lên 13.000 tỷ đồng hay “chốt” nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng những kết quả MB đạt được năm qua là một bất ngờ thú vị, in đậm dấu ấn MB trong lòng thị trường và tạo nên một hình ảnh đẹp về sự phát triển vững chắc của Ngân hàng trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.
Năm 2012, MB và Vietcombank là hai ngân hàng niêm yết duy nhất có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương, đạt lần lượt 8,4% và 4,9% năm 2012. Đây là mức tăng trưởng tương đối khiêm tốn so với lịch sử lợi nhuận của 2 ngân hàng này trước đó, nhưng là mức khả quan nhất so với toàn ngành.
Khó khăn chung của nền kinh tế năm 2012 đã khiến rất nhiều DN rơi vào cảnh bế tắc, phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Báo cáo tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong tổng số 447.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, năm 2012 chỉ có 370.000 DN là có doanh số. Trong số 370.000 DN có doanh thu này, có đến 69% là lỗ, khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2012 bị giảm đến 51.000 tỷ đồng.
Thực trạng hoạt động khó khăn của các DN cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu của các ngân hàng năm 2012 tăng cao so với năm trước đó và tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng/nợ xấu của các ngân hàng đều giảm. Tại Vietcombank và MB, tỷ lệ này đã giảm từ mức trên 100% của năm 2011 xuống còn 91,4% và 95,7% trong năm 2012, tuy nhiên đây vẫn là mức cao nhất ngành ngân hàng. Tỷ lệ này ở các ngân hàng còn lại chỉ quanh mức 57 - 75%.
Đạt lợi nhuận cao nhất, nhưng nợ xấu duy trì ở mức gần thấp nhất ngành ngân hàng (1,84%) với dự phòng rủi ro tín dụng/tổng nợ xấu đến 95,7%, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công khẳng định, MB luôn hướng đến sự phát triển bền vững và về cơ bản, đã hoàn thành nhiệm vụ mà cổ đông giao phó. Cũng theo ông Lê Công, trong khi nhiều ngân hàng cắt giảm lao động, thì tại MB, năm 2012 vẫn tiếp nhận thêm gần 800 nhân sự mới. Song song với việc tuyển dụng, mở rộng hoạt động, công tác đào tạo đội ngũ nhân viên có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực và chuyên nghiệp trong tác nghiệp cũng được Ngân hàng hết sức chú trọng. “Đến MB lúc này không còn cảm giác như bước vào cơ quan nhà nước như thời trước, mà ấn tượng đọng lại là những nụ cười và thái độ phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên”, bác Đặng Lê tại Cầu Giấy chia sẻ.
Giải pháp vượt khó năm 2013
Bước qua quý I năm 2013, MB đạt 808 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 24% kế hoạch cả năm. Dù kết quả này là khả quan so với mặt bằng chung ngành ngân hàng, nhưng ông Lê Công cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, nền kinh tế chưa hoạt động ổn định, sự cải thiện các chỉ số vĩ mô chưa rõ ràng, là những thách thức không nhỏ trên con đường hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Ở cương vị người điều hành MB, ông Lê Công xây dựng kế hoạch kinh doanh cho Ngân hàng theo 2 kịch bản. Một là xác định nền kinh tế năm nay xấu hơn năm trước và hai là không xấu hơn, với xu hướng nền kinh tế phục hồi dần vào cuối năm. Theo kịch bản thứ hai, MB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 12%, đạt 3.400 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2,5%. Tăng trưởng tín dụng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là dưới 12%, nhưng Tổng giám đốc MB cho biết, ông đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước và xây dựng kế hoạch kinh doanh ở mức tăng trưởng tín dụng 17%. Trường hợp MB hoàn thành tốt hạn mức tăng trưởng tín dụng 12%, MB sẽ đề xuất NHNN nới tỷ lệ này.
Để đạt được các chỉ tiêu kinh doanh năm 2013, theo ông Lê Công, Ngân hàng bám sát mục tiêu kinh doanh 5 chữ “C” (Chiến lược, Con người, Công nghệ, Chất lượng và Chính trị) để xây dựng nên 4 nhóm giải pháp chính. Trong đó, nhóm giải pháp về kinh doanh sẽ chú trọng vào các hoạt động như, tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng; xây dựng các gói giải pháp huy động vốn phù hợp, gắn với phát triển tín dụng, dịch vụ và chú trọng đến nhà đầu tư đại chúng; xây dựng chính sách sản phẩm khai thác sâu các khách hàng hiện hữu, đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới, đẩy mạnh phát triển thị trường phía Nam và miền Trung, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả…
Bằng định hướng rõ ràng và sự quyết tâm thực thi những giải pháp cụ thể trong từng năm, MB đang vững bước thực hiện mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra trong giai đoạn 2010-1015. Trên con đường thực hiện mục tiêu này, như tất cả các DN, MB cũng phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế, của môi trường kinh doanh, nhưng thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho sức bật của từng chủ thể trong công cuộc vượt khó và vươn lên.
Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch MB
Những biến động trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2013 và các giải pháp ổn định vĩ mô của Chính phủ sẽ tiếp tục có tác động đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Theo đó,
Hướng đến mục tiêu TOP 3 ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam vào năm 2015, các chỉ tiêu đặt ra năm 2013 của MB phấn đấu cao hơn năm 2012, cụ thể, phấn đấu vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, tổng tài sản 190.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng là 3.400 tỷ đồng và hợp nhất là 3.523 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở dưới 2,5%. Năm 2013 là năm triển khai trọng tâm của Chiến lược phát triển MB, HĐQT xác định MB sẽ thực hiện những cải tổ mạnh mẽ. Với sự đoàn kết đồng thuận, tính kỷ luật cùng những giá trị cốt lõi của mình, MB đang trên con đường hoàn thiện để trở thành một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu tại Việt
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội
Năm 2012 đã qua với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong hoạt động của ngành ngân hàng. Nhưng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những nỗ lực và sự tận tâm của Ban lãnh đạo cùng cổ đông MB, cùng với toàn ngành ngân hàng đã góp sức vào việc thực hiện tốt những nhiệm vụ của ngành mà Chính phủ giao. Toàn ngành ngân hàng đã góp sức giảm lãi suất cho vay từ 4 - 6%/năm, với những đối tượng ưu tiên, lãi suất giảm từ 8 - 9%/năm. Từ mức lãi suất cho vay trên 20%/năm, trong năm 2012 đã được giảm dần, hiện tại ở dưới mức 15%/năm, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên dưới 12%/năm. Năm 2012, ngành ngân hàng tại Hà Nội đạt huy động 890.000 tỷ đồng, bằng 32% tổng huy động vốn toàn ngành, tăng trưởng 32,5%. Dư nợ của các ngân hàng tại Hà Nội là 659.000 tỷ đồng, tăng 11,5%, nợ xấu được kiềm chế ở mức gần 5%, so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng là 8,6% năm này. Để đạt kết quả trên, các ngân hàng đã nỗ lực rất nhiều. Trong thành công chung đó, MB có đóng góp quyết định. Tổng tài sản MB tăng 29% trong khi tổng tài sản chung của các ngân hàng tại Hà Nội tăng 5% và nhiều ngân hàng có tổng tài sản giảm 30 - 32%. Huy động vốn tại MB tăng 32%, gấp 3 lần mức bình quân của các ngân hàng tại Hà Nội. Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của MB và trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cổ đông, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện quan tâm phát triển nghiệp vụ, hoàn thiện trụ sở khang trang hàng đầu tại Hà Nội của MB. Dù còn rất nhiều thách thức của năm kinh doanh 2013, nhưng chúng tôi tin rằng, MB sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm, có tầm, đồng thời phát huy tốt thế mạnh của mình để đạt kế hoạch đề ra. |