Hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc hại, virus máy tính, phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, nổi lên trong năm qua.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi khó phát hiện, đấu tranh, theo đánh giá của Chính phủ.
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023) đã được Chính phủ gửi Quốc hội.
Làm rõ nhận định trên, báo cáo nêu nhiều hành vi như sử dụng cuộc gọi VoIP (cuộc gọi trên nền tảng internet) hoặc sim rác sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế (Roaming), giả danh cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền quốc tế... yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản của cơ quan tư pháp (do đối tượng cung cấp) để xác minh, kiểm tra hoặc yêu cầu tải các app lừa đảo về điện thoại để chiếm đoạt tiền của bị hại.
Hay, đăng thông báo tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử ảo do các đối tượng lập ra, dẫn dụ nạn nhân nộp tiền và chiếm đoạt. Kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao, hoặc nhờ nhận và giữ giúp tiền mặt (ngoại tệ) giá trị lớn, sau đó đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay... yêu cầu đóng các loại phí để chiếm đoạt tài sản. Chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là facebook và sử dụng công nghệ AI Deepfake gọi và nhắn tin trên messenger), giả lập các trang cá nhân facebook, zalo để giả là bạn bè, người thân nhắn tin vay, mượn tiền, yêu cầu chuyển vào tài khoản đối tượng đưa ra, có trường hợp đối tượng sử dụng cả tài khoản ngân hàng trùng với tên người hỏi mượn tiền làm cho bị hại tin là bạn bè, người thân.
Các hành vi khác như dụ dỗ cho vay tiêu dùng nhanh, thủ tục đơn giản thông qua các app lừa đảo, khi nạn nhân đồng ý vay, đối tượng lập ra hợp đồng vay, mượn, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận tiền, yêu cầu đóng các loại phí để được giải ngân.
Quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội các sàn giao dịch đầu tư tài chính thu lợi nhuận cao, hay còn gọi là giao dịch nhị phân với hình thức dự đoán xu hướng tăng, hoặc giảm của các loại tiền ảo, hàng hóa... thực chất là hành vi đánh bạc để dẫn dụ nạn nhân tham gia đặt tiền và đưa ra các chiêu thức chiếm đoạt. Mạo danh giáo viên, bác sỹ báo tin con em, người nhà bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền để đóng viện phí rồi chiếm đoạt. Mua bán, thu thập dữ liệu ATM và hình ảnh căn cước công dân của bị hại, lập tài khoản Zalo pay liên kết với số tài khoản của bị hại, rồi rút hoặc chuyển tiền để chiếm đoạt...
Tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn cũng là vấn đề nổi lên ở lĩnh vực này. Tại Thái Bình, phát hiện, đấu tranh triệt phá 2 đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet với số tiền đánh bạc từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng.
Nổi lên trong kỳ báo cáo còn có hành vi mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân để phục vụ các mục đích trái pháp luật. Hành vi sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc sử dụng phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc.
Ngoài ra còn có hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc hại, virus máy tính, phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân. Hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu điều hành các trang mạng, đường dây phạm tội...
Phục lục của báo cáo nêu số liệu, số vụ phạm tội lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông là 1.600, tăng tới trên 200% so với cùng kỳ. Số đối tượng phạm tội 478, tăng gần 50%. Số vụ khởi tố mới là 1.776, tăng hơn 320%.
Phần đánh giá chung, Chính phủ nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là phòng ngừa xã hội chưa mang lại hiệu quả cao.
Báo cáo cũng đề cập một số nguyên nhân, trong đó có ý thức tự bảo vệ của một bộ phận người dân chưa cao, nhất là khi tham gia không gian mạng.
Theo báo cáo của Chính phủ, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy còn nhiều vấn đề tiềm ẩn phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia.Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động biểu tình, gây rối và tổ chức các hoạt hoạt động khủng bố, phá hoại; các vụ tranh chấp, khiếu kiện tăng (trong đó có 17 vụ có nguy cơ phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự); tình hình an ninh tại các địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bất ổn; vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ bí mật Nhà nước còn diễn ra phức tạp.