Lừa đảo mạo danh bảo hiểm: “Chốt đơn” online, mất tiền thật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn dừng lại ở các chiêu trò giao hàng “chuyển khoản nhầm”, lừa đảo trực tuyến nay đã lan sang lĩnh vực bảo hiểm với hình thức mạo danh nhân viên “chốt đơn” và ép hủy hợp đồng. Nhiều người dân sập bẫy, mất tiền oan.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lừa đảo mạo danh cả công ty bảo hiểm

Chị Nguyễn Thị H. (Hà Nội) nhận cuộc gọi từ số máy lạ, thông báo rằng chị đã "đăng ký gói bảo hiểm hàng hóa trị giá 5 triệu đồng/tháng" và nếu không hủy ngay, tiền sẽ bị trừ tự động. Để tăng tính thiết thực, đối tượng còn gửi hình ảnh giấy chứng nhận bảo hiểm có tên và chữ ký dấu đỏ của công ty bảo hiểm X. Dưới áp lực phải "hủy hợp đồng trong 10 phút", chị vội chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản lạ để "hủy hợp đồng". Sau khi gọi lên tổng đài công ty bảo hiểm X chị mới phát hiện là mình đã bị lừa.

Câu chuyện của chị H. không phải cá biệt bởi thời gian gần đây một số công ty bảo hiểm thường xuyên nhận được thắc mắc của khách hàng về việc tự động mua bảo hiểm hàng hóa. Điểm đáng chú ý là các đối tượng này luôn tạo ra tình huống khẩn cấp, yêu cầu nạn nhân phải hành động ngay lập tức. Nếu không hủy dịch vụ trong vòng 10-15 phút, hệ thống sẽ tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Khi nạn nhân hoảng loạn, chúng hướng dẫn chuyển khoản một khoản tiền nhỏ (thường 1-3 triệu đồng) để "xác minh tài khoản" hoặc "đóng phí hủy dịch vụ".

Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó giám đốc ban Kế hoạch - Marketing của Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho biết, vừa qua, VNI cũng nhận được một số khiếu nại của khách hàng về việc bị lừa chuyển tiền để hủy gói bảo hiểm hàng hóa. Hiện nay, VNI không triển khai gói sản phẩm bảo hiểm hàng hóa nào được kích hoạt tự động, càng không có hình thức chuyển thêm tiền để hủy hợp đồng. Do đó, khách hàng khi nhận được thông tin về tự động kích hoạt hợp đồng bảo hiểm thì cần gọi điện đến công ty bảo hiểm để kiểm tra lại thông tin. Đặc biệt, do các đối tượng thường giả danh fanpage và hotline của công ty bảo hiểm để tăng niềm tin nên khách hàng cần chủ động tìm kiếm thông tin liên lạc trên các website chính thức của công ty bảo hiểm, tránh việc liên hệ qua các số điện thoại hoặc fanpage mà các đối tượng gửi.

Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) năm 2024, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng (tương đương 744 triệu USD), và dự báo tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng, cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền…

Tội phạm công nghệ cao ngày càng “thích nghi” nhanh

Trước tình hình này, các chuyên gia bảo hiểm và cơ quan chức năng đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng giúp người dân phòng tránh. Cuối năm 2024, Fanpage của Bộ Công an đã phát đi cảnh báo đây là thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra cảnh báo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ các thông tin trước khi chuyển tiền cho shipper. Các công ty bảo hiểm như VNI cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc nhiều đối tượng mạo danh công ty để lừa đảo.

Để bảo đảm an toàn dữ liệu của người sử dụng dịch vụ bưu chính, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Cụ thể, nghiêm cấm doanh nghiệp bưu chính tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính (quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính); thực hiện phổ biến, quán triệt cho toàn bộ nhân viên giao hàng của doanh nghiệp về trách nhiệm bảo mật thông tin về dịch vụ bưu chính và hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt thông tin dịch vụ bưu chính.

Trong buổi chia sẻ với báo chí mới đây, Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm xâm phạm sở hữu cho biết, tội phạm lừa đảo công nghệ cao có sự "thích nghi" rất nhanh. Các đối tượng này cập nhật, thay đổi thủ đoạn thường xuyên, theo tình hình chính trị trong nước, thế giới, thậm chí là các sự kiện ăn theo.

Do đó, Trung tá Vinh cho rằng mấu chốt trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo công nghệ cao là tính cảnh giác của người dân. Người dân tuyệt đối không nghe theo các hướng dẫn, chỉ đạo trên mạng xã hội; không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết; không bấm vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng không chính thống;

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất “thúc ép” chuyển tiền ngay thì nên xác nhận lại với công ty bảo hiểm qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Tin bài liên quan