Bán dự án trên giấy
4 bị cáo gồm Trần Ứng Thanh (67 tuổi, trú tại phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà); Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi, Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Đức Lợi (62 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội) và Nguyễn Quốc Xương (56 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà.
Theo tài liệu truy tố, 146 lượt người đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn, đặt cọc với tổng số tiền 169,5 tỷ đồng với các bị cáo.
Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Đề án giãn dân phố cổ, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng và được UBND Thành phố giao cho thực hiện. Theo hình thức xã hội hóa, UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
Nguyễn Đức Thắng đã tiếp thị môi giới cho Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà làm việc với UBND quận để thực hiện dự án này.
Theo thỏa thuận, Thanh nhờ Thắng giúp chuyển nhà đầu tư dự án từ Công ty Hà Nội sang Công ty Hồng Hà của Thanh. Nếu được, Thanh sẽ chi 7% chi phí dự án (ước khoảng 280 tỷ đồng), trong đó, 2% Thắng và Công ty Hà Nội được hưởng, 5% còn lại Thắng và Thanh sẽ sử dụng để đi quan hệ.
Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.
Cùng ngày, UBND quận Hoàn Kiếm có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà: Công ty được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn ở cho cán bộ công nhân viên và chấp thuận về mặt nguyên tắc cho Công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn xây dựng.
Bằng 2 văn bản này, Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn và nhận đặt cọc với nhiều khách hàng. Từ ngày 1/9/2010 đến ngày 22/4/2011, Nguyễn Quốc Xương, Phó giám đốc Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư với 40 khách hàng, thu hơn 70 tỷ đồng; Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Công ty Hà Nội đã ký hợp đồng với 2 khách hàng, thu 8,5 tỷ đồng.
Sau này, UBND quận Hoàn Kiếm phát hiện Công ty Hồng Hà rao bán các căn hộ bất hợp pháp, nên có ra công văn nói rõ UBND TP. Hà Nội chưa phê duyệt chi tiết, UBND quận Hoàn Kiếm chưa triển khai thiết kế xây dựng, chưa ký kết hợp đồng thực hiện Dự án với Công ty Hồng Hà. Công văn này khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng căn hộ liên quan đến dự án cũng như hành vi bán, chuyển nhượng dự án là trái quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi UNBD quận Hoàn Kiếm thông báo hủy bỏ các công văn giao việc cho Công ty Hồng Hà, công ty này vẫn tiếp tục ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng nhận đặt cọc với 104 khách hàng, thu 90,9 tỷ đồng.
Tổng cộng, từ 1/9/2010 đến 28/5/2012, đã có 146 người ký hợp đồng góp vốn vào dự án này và nộp cho các bị cáo số tiền 169,5 tỷ đồng. Số tiền này đã được Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà sử dụng hết. Trên chứng từ và sổ sách kế toán ghi lý do tạm ứng phục vụ dự án mới, “phục vụ dự án Việt Hưng”, “chuyển vốn cho Ban quản lý dự án” với số tiền 86,1 tỷ đồng không có chứng từ hoàn ứng, không có giải trình chi tiết được sử dụng vào việc gì.
Cơ quan điều tra xác định, đến nay, Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà chưa thực hiện được công việc gì của dự án. Khi khách hàng đến trụ sở các công ty này đòi tiền, Công ty mới trả được 32,6 tỷ đồng. Như vậy, Trần Ứng Thanh, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Quốc Xương đã chiếm đoạt 136,9 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Xương khẳng định, khi kêu gọi góp vốn vào các căn hộ, bị cáo đã nói rõ và cho khách hàng xem các văn bản của Thành phố cũng như của quận Hoàn Kiếm để khách hàng cân nhắc, có quyết định đầu tư không. Hơn nữa, khi ký hợp đồng, Công ty cũng thực hiện đúng nguyên tắc kế toán, có phiếu thu, thủ quỹ…
Tuy nhiên, khi Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi, nếu các bị cáo có thông báo đầy đủ với khách hàng rằng dự án chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng với chủ đầu tư, chưa có chỉ giới…, liệu khách hàng có ký hợp đồng góp vốn?
Không trả lời thẳng vấn đề, cuối cùng bị cáo Xương đổ là do “hạn chế nhận thức của bị cáo”.
Đối với bị cáo Thanh, cũng không thừa nhận hành vi lừa đảo, mà cho rằng việc này chỉ có sai sót, nóng vội trong xử lý.
Đại diện Công ty Hà Nội có mặt tại phiên tòa cho biết, Công ty sẽ có trách nhiệm theo kết luận của cơ quan pháp luật và sẽ có phương án, trách nhiệm trả lại tiền cho người dân, nhưng cần phải có thời gian để khắc phục.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận nội dung của một văn bản của quận gửi cơ quan điều tra. Theo đó, UBND quận thừa nhận dự án giãn dân phố cổ chưa có tiền lệ, UBND quận còn thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát văn bản, nên nội dung và thể thức của văn bản còn thiếu chính xác, dẫn đến việc 2 công ty nói trên lợi dụng văn bản đăng tin rao bán căn hộ.
Trả lời về trách nhiệm, đại diện UBND quận cho biết, sau khi vụ án xảy ra, quận hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm các bên, đồng thời ủng hộ và bảo vệ quyền lợi của công dân, cùng người dân đòi Công ty Hồng Hà trả tiền.
Với các cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm đã soạn thảo, ký ban hành các văn bản, các quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật để 2 công ty nói trên lợi dụng, Cơ quan điều tra đã tách hồ sơ tài liệu để điều tra xử lý sau.
Tại phiên tòa ngày 12/6, HĐXX cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại UBND quận Hoàn Kiếm.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên án tù chung thân đối với hai bị cáo Trần Ứng Thanh và Nguyễn Đức Thắng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Đức Lợi lãnh án 18 năm tù, Nguyễn Quốc Xương lãnh 13 năm tù. HĐXX cũng tuyên các bị cáo phải trả lại hơn 130 tỷ đồng cho các bị hại trong vụ án.