Lựa chọn khó của các ông chủ nhà băng

Lựa chọn khó của các ông chủ nhà băng

(ĐTCK) Chuyện nhiều doanh nhân chấp nhận từ bỏ chiếc ghế chủ tịch tại doanh nghiệp “con đẻ”, tâm huyết bấy lâu từ khi khởi nghiệp, để chỉ ngồi ghế chủ tịch ngân hàng theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 15/1/2018 cho thấy công cuộc kinh doanh đang ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Do những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tài chính và tầm quan trọng đối với nền kinh tế, hoạt động của các ngân hàng đang ngày càng chịu nhiều quy định chặt chẽ hơn về quản trị.

Việc các doanh nhân giàu kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm trong điều hành doanh nghiệp tới đây “toàn tâm, toàn ý” đảm nhận "ghế nóng" ở ngân hàng đang được thị trường kỳ vọng sẽ tạo ra những bước thay đổi, diện mạo mới cho hệ thống ngân hàng. Trái tim khỏe, nền kinh tế sẽ có nhiều cơ hội để khỏe mạnh hơn.

Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều ngân hàng đang ở thời kỳ có nhiều thách thức, cần đến sự chèo lái vững vàng của những người đứng đầu. Còn ở các tập đoàn tư nhân do các doanh nhân này sáng lập, các ông chủ đã đào tạo được đội ngũ kế cận, cũng như thiết lập hệ thống quản trị doanh nghiệp đủ để chủ tịch có nghỉ dài dài mà mọi việc vẫn chạy tốt.

Chuyển động được đánh giá tích cực trên cùng với quyết tâm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cụ thể hơn là quan hệ thân hữu của hệ thống doanh nghiệp – ngân hàng, được nhận định sẽ có những ảnh hưởng tốt với nền kinh tế.

Thực tế, sở hữu chéo không đơn giản và “lộ liễu” như ngân hàng nọ đầu tư vào ngân hàng kia, vốn của ngân hàng mẹ rót cho các công ty con..., mà thông thường đó là các liên kết sở hữu gián tiếp thông qua nhiều chủ thể trung gian, thậm chí thay quan hệ sở hữu thành quan hệ tài trợ. Hệ quả của mối quan hệ lòng vòng này là vốn được tài trợ dễ dãi và có thể dẫn tới nợ xấu lớn.

Ngoài ra, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là hạn chế các ngân hàng trả cổ tức cao, mà dùng lãi để nâng cao năng lực tài chính, song cổ đông lớn của ngân hàng có thể dùng quyền lực mềm để ép ngân hàng cho các công ty có liên quan vay vốn, thậm chí vay rất lớn, đây chính là một cách để cổ đông rút bớt vốn khỏi ngân hàng và tiếp tay cho các hành vi “kinh doanh cánh hẩu”.

Năm 2018, các thông điệp từ Chính phủ đều thể hiện rất rõ tinh thần sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ các nguồn lực theo tính hiệu quả của các dự án, các công trình…

Một trong những giải pháp để làm tốt chủ trương này được cho là quyết tâm và quyết liệt tiêu diệt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Việc các ông bà chủ nhà băng có lựa chọn ghế ngồi thật rõ ràng và tập trung cho lĩnh vực khó hơn, vốn đòi hỏi những yêu cầu rất cao về quản trị, minh bạch đã cho thấy thị trường tài chính đang từng bước chuyển động theo những xu hướng chuyên nghiệp và tất yếu mà các thị trường phát triển hơn đã trải qua.

Tin bài liên quan