Lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 là một trong những nội dung sẽ được các đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng do nguồn lực có hạn, nên cần có sự lựa chọn.

Ngoại trừ số ít doanh nghiệp “sống khỏe” sau trận “càn quét” của Covid-19, hầu hết doanh nghiệp đều rất khó khăn và rất cần được hỗ trợ? Quan điểm của ông về vấn đề thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Trong hơn một năm qua, những “tiếng kêu than” của cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh đúng khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Từ tháng 4/2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp, chính sách giải cứu, hỗ trợ, mức độ hỗ trợ lần sau mở rộng hơn lần trước cả về quy mô, đối tượng lẫn giá trị. Trong thẩm quyền của mình, các bộ, ngành cũng đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân ở mức cao nhất có thể, như giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm hàng loạt loại phí, lệ phí; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu kỳ hạn trả nợ…

Kết quả của các gói hỗi trợ, giải cứu đã nhìn thấy, nhưng vẫn chưa giúp được doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, doanh nghiệp vẫn mong muốn Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ mới và kéo dài các gói đang thực hiện.

Quan điểm của tôi là cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ có 85.500 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến trên 90.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Lần đầu tiên, chúng ta chứng kiến số doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số rời khỏi thị trường.

Nhưng, đây chỉ là bề nổi, còn sự thật thì rất nhiều doanh nghiệp tồn tại đến thời điểm này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tất cả doanh nghiệp đều than khó, trong khi ngân sách có hạn, nguồn lực có hạn, thì hỗ trợ thế nào? Không thể hỗ trợ được tất cả, nên phải lựa chọn làm sao để nguồn tiền hỗ trợ (là tiền thuế của dân) phải đạt được 2 mục đích: vừa giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt để phát triển trở lại, vừa phải gắn chặt với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Trước năm 2020, lĩnh vực du lịch đã khẳng định được vai trò động lực của nền kinh tế nhưng khi đại dịch xảy ra, thì ngành “công nghiệp không khói” này lại bị tác động tiêu cực nặng nề nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, phải tập trung hỗ trợ ngành du lịch, thưa ông?

Tôi cũng đã được nghe rất nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp lên tiếng cần hỗ trợ ngay cho lĩnh vực du lịch, vì du lịch phục hồi sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực dịch vụ khác phát triển; du lịch đã và đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Singapore cũng đang tập trung phục hồi du lịch.

Quan điểm này không sai, nhưng như tôi vừa nói ở trên, gói hỗ trợ lần này, Chính phủ muốn một đồng bỏ ra phải đạt được 2 mục đích. Nguồn lực của chúng ta có hạn, trong khi dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc.

Vì vậy, ở góc độ kinh tế, phải hết sức bình tĩnh để tính toán xem hỗ trợ lĩnh vực nào. Trong cả chuỗi của hoạt động du lịch, thì hỗ trợ thế nào, hỗ trợ khâu nào: doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu vực danh lam - thắng cảnh, khu vực hấp dẫn khách du lịch… hay đơn vị vận chuyển khách du lịch. Trong cả chuỗi này, theo tôi, nên ưu tiên hỗ trợ ngành vận tải hàng không, vì nếu ngành này không phục hồi, thì các hoạt động du lịch phía sau có hỗ trợ cũng không “cất cánh” được, vì không có khách quốc tế.

Đối với chuỗi hoạt động du lịch phía sau, theo ông, nên hỗ trợ ngành nào?

Hoạt động du lịch là cả một chuỗi có quan hệ mật thiết với nhau, bỏ bất cứ khâu nào, thì những khâu còn lại đều không có hiệu quả. Theo tôi, cách hỗ trợ ngành du lịch tốt nhất, hiệu quả nhất, bền vững nhất là làm sao đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh quay trở lại bình thường, vì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, thì mới tạo thu nhập cho người lao động. Chỉ khi nào người lao động có thu nhập đến mức không còn nợ nần, ăn bữa nay không phải lo bữa mai - đây là hậu quả của gần 2 năm dịch bệnh - thì mới phát sinh nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng...

Ông nói rằng, gói hỗ trợ phải đạt được 2 mục đích, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa thực hiện tái cơ cấu. Vậy chúng ta sẽ lựa chọn tái cơ cấu như thế nào, vì ngành hàng nào, lĩnh vực nào cũng quan trọng với nền kinh tế quốc dân?

Không ai dám nói ngành này, lĩnh vực này quan trọng hơn ngành khác, lĩnh vực khác, nên gói hỗ trợ không quy định cụ thể ngành hàng nào, mà đặt ra các tiêu chí để ưu tiên hỗ trợ.

Ví dụ, đặt ra 5 tiêu chí: phải có thị trường tiêu thụ; có năng lực sản xuất (gồm nhân công, thiết bị, dây chuyền, máy móc, kinh nghiệm); phải là ngành công nghiệp - dịch vụ lõi (khi hỗ trợ lõi, thì sẽ lan tỏa ra các doanh nghiệp ở vòng ngoài thuộc khu vực khác); phải có khả năng trả nợ (vì ngân hàng không thể gánh được hết nợ xấu); và phải bảo vệ môi trường, dứt khoát không hỗ trợ doanh nghiệp không bảo vệ môi trường, hủy hoại môi trường. Khi các doanh nghiệp đáp ứng đủ 5 tiêu chí này được hỗ trợ, thì tự khắc thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp, loại bỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém.

Gói hỗ trợ tiếp theo phải sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là thẩm quyền của Quốc hội, nhưng tại kỳ họp này, Quốc hội chưa bàn đến. Cuối năm nay, Quốc hội sẽ tổ chức thêm kỳ họp nữa để giải quyết các vấn đề phát sinh cần phải giải quyết ngay, trong đó có việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan