Số liệu của NHNN tính đến thời điểm 29/2/2024 cho biết, tổng vốn điều lệ của nhóm NHTM nhà nước là 217.882 tỷ đồng và các NHTM cổ phần là 544.391 tỷ đồng tăng 0,34% so với thời điểm cuối năm 2023. Con số tăng dù chưa lớn nhưng cho thấy tiến trình tăng vốn đã được thực hiện khẩn trương ngay từ những tháng đầu năm 2024 sau giai đoạn tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành ngân hàng năm 2023. Được biết, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các NHTM (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong số các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận có 20/27 ngân hàng đã tăng vốn.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện; tuy nhiên, “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Vì vậy, tăng vốn là một xu hướng tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, vốn điều lệ cao sẽ giúp các ngân hàng có nền tảng tài chính tốt, chống chọi với khó khăn, thách thức, đặc biệt trong nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
“Đây cũng là cơ sở, điều kiện để các NHTM tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế, mở rộng quy mô tín dụng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nhìn vào quá trình tăng vốn của các ngân hàng thời gian qua cho thấy, không phải ngân hàng nào cũng đạt được mục tiêu tăng vốn đã đề ra. Lộ trình tăng vốn thành công thường đến từ những ngân hàng có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, mô hình quản trị minh bạch…
Được biết, NHNN vừa có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của LPBank theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHCĐ thường niên năm 2024 thông qua.
Qua đó, Ngân hàng được phép chào bán thêm 800 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của LPBank đạt 33.576 tỷ đồng, nằm trong Top các nhà băng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống, khẳng định vị thế của một ngân hàng TMCP có mạng lưới rộng lớn khắp 63 tỉnh, thành phố.
Việc chào bán thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ của LPBank nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của Ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Bộ đệm vốn dày cũng cho phép LPBank hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng chủ trương đầu tư phát triển kinh tế xanh cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp; Đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn; Miễn giảm các loại phí; Nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp…
Với giá trị cốt lõi “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, trong suốt 16 năm xây dựng và phát triển, LPBank không ngừng nâng cao nền tảng công nghệ phục vụ mục tiêu số hóa toàn diện, đầu tư giải pháp, sản phẩm, dịch vụ, gia tăng giá trị cho khách hàng.
Mới đây nhất, LPBank tạo nên kỳ tích khi chuyển đổi thành công giải pháp hệ thống công nghệ lõi CoreBanking T24 chỉ sau 7 tháng triển khai. Đây là dự án công nghệ cốt lõi trong chiến lược phát triển mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, bền vững và thận trọng của LPBank giai đoạn 2024 - 2028, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, linh hoạt trong thiết kế ứng dụng, sản phẩm và dịch vụ hướng tới gia tăng trải nghiệm khách hàng.