Giao dịch nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 16/3 đến ngày 13/4/2022, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại LDP từ 10,23% xuống còn 0% và không còn là cổ đông lớn của Dược Lâm Đồng.
Trái lại, từ ngày 11/3 đến 8/4, CTCP Louis Holdings đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu LDP. Giao dịch cũng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trước đó, Ladophar đã trình lên ĐHCĐ bất thường ngày 17/2 về việc cho phép Louis Holdings được chào mua công khai gần 7 triệu cổ phiếu LDP từ 14 cổ đông, trong đó có 1,3 triệu cổ phiếu LDP do Louis Capital sở hữu.
Dược Lâm Đồng tiền thân là xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng được hình thành từ năm 1982 dựa trên sự sáp nhập hai Công ty Dược liệu và Dược phẩm, trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất tân dược, đông dược; mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế; xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu...
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, cổ phiếu LDP tăng 3,19% lên mức 48.500 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của LDP đạt 153.383 đơn vị/phiên.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2021, Ladophar ghi nhận doanh thu hơn 162 tỷ đồng, giảm 36,42% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 39 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ gần 26 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận năm 2021 tăng vọt so với năm 2020, Ladophar cho biết, trong năm 2021, Công ty đạt doanh thu tài chính 31,61 tỷ đồng, tăng vượt trội so với con số 1,35 tỷ đồng của năm 2020; trong khi đó, các khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm.
Đồng thời, trong năm 2021, Công ty còn có khoản thu nhập khác tăng đột biến lên mức 34,36 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2020.