AGM đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2021, nhưng kết quả kinh doanh quý I sụt giảm so với cùng kỳ.

AGM đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2021, nhưng kết quả kinh doanh quý I sụt giảm so với cùng kỳ.

Louis Agro thâu tóm Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), thêm toan tính khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mua đến 62% cổ phần AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Tập đoàn Louis Agro đã chính thức thâu tóm doanh nghiệp gạo hàng đầu tại An Giang.

Tham vọng tại AGM

Ngày 27/5/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã thoái 9,44 triệu cổ phiếu AGM theo phương thức giao dịch thỏa thuận và không còn là cổ đông lớn. Giá trị thu về từ đợt thoái vốn không được công bố.

Cùng ngày, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Tập đoàn Louis Agro mua vào 1,4 triệu cổ phiếu AGM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,27% (48.400 cổ phiếu) lên 8,16% (1,49 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Louis Agro cho biết, hiện tại, Tập đoàn sở hữu 62% cổ phần AGM, có quyền chi phối doanh nghiệp này.

AGM có một cổ đông lớn khác là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 28,17% cổ phần. SCIC có kế hoạch thoái vốn tại AGM trong năm 2021.

Louis Agro tiền thân là Louis Rice, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo tại Việt Nam với thương hiệu gạo Louis Rice chất lượng cao.

Năm 2020, Louis Agro đạt doanh thu 1.724 tỷ đồng, sản lượng gạo tiêu thụ 240.000 tấn.

Louis Agro chia sẻ, Tập đoàn sẽ dựng lại tượng đài ngành gạo Việt Nam và đưa AGM vào Top doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước.

Được biết, AGM có vốn điều lệ 182 tỷ đồng, năm 2020 đạt doanh thu 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 7,5% và 38% so với năm 2019; biên lợi nhuận gộp 7,8%, giảm so năm 2019 (8,4%), nhưng cao hơn năm 2018 (7,5%).

Theo AGM, năm ngoái, chi phí nguyên liệu sản xuất tăng vọt, giá sản phẩm đầu ra cũng tăng, làm giảm sản lượng tiêu thụ. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Công ty.

Do đặc thù ngành nghề, hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/VND. Tỷ giá trong năm qua giảm 0,2% (tức VND tăng giá), việc này không hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, ở các thị trường xuất khẩu, AGM phải cạnh tranh với sản phẩm gạo của Thái Lan, Ấn Độ… Vì thế, doanh thu các sản phẩm gạo của Công ty năm 2021 giảm 6,29% so với năm 2019, đạt 1.308 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2020 là một năm khó khăn của ngành gạo khi dịch Covid-19 bùng phát khiến Chính phủ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo trong hơn 1 tháng nhằm đảm bảo an ninh lương thực; việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Cùng với đó, hiện tượng đầu cơ, găm hàng của nông dân, thương lái, kho tư nhân, làm giá lúa gạo đầu vào tăng cao. Vụ thu hoạch Hè Thu dàn trải, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, bão lũ diễn ra liên tục trong những tháng cuối năm.

Các yếu tố trên khiến giá lúa gạo trong nước tăng mạnh, làm tỷ lệ lãi gộp của ngành gạo sụt giảm, ảnh hưởng nặng đến hiệu quả các hợp đồng giao hàng trong năm 2020.

Mặt khác, ngành logistics bị đình trệ do Covid-19 lan rộng trên toàn cầu nên giá cước vận chuyển tăng, làm chi phí giao hàng tăng và làm giảm lượng giao hàng xuất khẩu (AGM chỉ đạt 84% kế hoạch năm 2020 và giảm 15% so với năm 2019).

Năm 2021, trong bối cảnh nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng, AGM đặt kế hoạch đạt doanh thu 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng, tăng lần lượt 111% và 116% so với năm 2020.

Louis Agro muốn dựng lại tượng đài ngành gạo Việt Nam, đưa AGM vào Top doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước.

Công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh hiện có và gia tăng sản lượng gạo để chiếm lĩnh thị trường gạo chất lượng vừa tại Việt Nam và xuất khẩu ra các thị trường trọng điểm.

Sự gia nhập của Louis Agro được kỳ vọng sẽ là một làn gió mới thổi vào AGM. Louis Agro cho hay, kế hoạch phát triển của Tập đoàn tại AGM là tập trung vào ngành gạo (bên cạnh ngành gạo, AGM còn kinh doanh phân phối xe máy, bán vật tư nông nghiệp như phân bón).

Không chỉ sản xuất gạo thô, doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển các sản phẩm khác như dầu gạo, bột gạo, bánh gạo.

Thực tế, gạo vốn là ngành có nhiều rủi ro khi chịu tác động mạnh mẽ bởi thời tiết, dịch bệnh; tình trạng thiếu hụt container chưa được khắc phục ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu; chi phí giao hàng và sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá gây áp lực lên biên lợi nhuận của ngành… Vì thế, có ý kiến cho rằng, kế hoạch kinh doanh của AGM nói riêng, tham vọng của Louis Agro nói chung không dễ thực hiện.

Quý I/2021, AGM đạt 371 tỷ đồng doanh thu, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

BII và TGG trong tầm ngắm

Ngoài AGM, Chủ tịch Luois Agro Đỗ Thành Nhân còn là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Louis Holdings (BII) và Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (TGG).

Trong đó, ông Nhân giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings (BII) với tỷ lệ sở hữu lớn nhất tính đến ngày 17/5/2021 là 13,79%, tương đương 7,9 triệu cổ phiếu.

Ngày 18/5/2021, ông Nhân đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu BII. Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BII đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, ông Nhân sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 20,7% tại BII với 11,95 triệu cổ phiếu. Ngược lại, ông Nguyễn Văn Dũng - một trong 3 thành viên sáng lập BII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,98% xuống 5,02%.

BII tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Bình Thuận. Công ty đang đầu tư vào 4 lĩnh vực gồm nông nghiệp, bất động sản, bất động sản công nghiệp và năng lượng sạch.

Năm 2021, BII đặt kế hoạch đạt doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng. Nhận thấy tiềm năng từ mảng bất động sản công nghiệp nên Công ty tiếp tục hoàn thiện các dự án cụm công nghiệp đã có sẵn và lập kế hoạch kinh doanh để thu hút nhà đầu tư vào thuê đất như cụm công nghiệp Thắng Hải 1, 2 & 3, quy mô 140 ha tại tỉnh Bình Thuận.

Nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, BII sẽ chuyển nhượng các dự án, tài sản không hiệu quả.

Tại TGG, tính đến ngày 14/5/2021, ông Đỗ Thành Nhân là cổ đông lớn thứ hai, nắm giữ 1,39 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,12%. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng, không liên quan đến mảng kinh doanh lõi mà Louis Agro đang phát triển.

Năm 2020, TGG lỗ 43,4 tỷ đồng, hoạt động xây lắp không ghi nhận doanh thu, Công ty lý giải là do tác động của dịch Covid-19 nên không có công trình mới.

Cổ phiếu TGG vừa bị HOSE đưa vào diện kiểm soát nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Mặc dù doanh nghiệp thua lỗ, nhưng cổ phiếu này từ đầu năm 2021 đến nay có diễn biến tăng mạnh, từ 1.000 đồng/cổ phiếu lên trên 5.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, tháng 1/2021, một cá nhân đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì thao túng cổ phiếu TGG.

Louis Agro dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý III/2021. Chứng khoán BETA là đơn vị tư vấn phát hành và niêm yết cổ phiếu cho Louis Agro.

Tin bài liên quan