“Lót ổ” đón đại bàng

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Đây là một trong những giải pháp cấp bách để “lót ổ đón đại bàng”, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên toàn cầu đang gia tăng các biện pháp ưu đãi đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ sớm được thành lập. Ảnh: Lê Toàn

Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ sớm được thành lập. Ảnh: Lê Toàn

Nỗ lực “lót ổ”

Sau khi lấy ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị kiểm toán vào tuần trước, tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức các cuộc họp nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước, các địa phương về Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Dự kiến, hôm nay (15/3), Tổ soạn thảo sẽ tiếp tục họp bàn về việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, trong đó hai nội dung được quan tâm hàng đầu là đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư và mô hình hoạt động của Quỹ. Một sự nỗ lực rất lớn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về việc chính thức tham gia “cuộc chơi” thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, cũng như xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư để tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam.

“Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư là nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Nhưng không chỉ hướng đến nhà đầu tư nước ngoài, nguyên tắc “không phân biệt đối xử” cũng được áp dụng trong Dự thảo Nghị định. Điều đó có nghĩa, bất kể doanh nghiệp nào, miễn là đáp ứng được các tiêu chí đặt ra trong Dự thảo Nghị định, thì đều có thể được hưởng từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Dự thảo Nghị định đang được thiết kế theo hướng các đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D. Đi kèm với đó là các yêu cầu về việc dự án phải đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng hoặc có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân trong vòng 3 năm…

Bởi thế, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà cả nhà đầu tư trong nước cũng rất mong chờ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ sớm được thành lập. “Chúng tôi rất mong Nghị định sẽ được ban hành vào khoảng giữa năm nay, để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Việt Nam”, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) nói.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắc Nông cũng bày tỏ vui mừng khi việc xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang được đẩy nhanh. Tỉnh này đang mong muốn thu hút hàng tỷ USD vào các dự án chế biến nhôm. “Nếu không nhanh có chính sách hỗ trợ, nhà đầu tư cũ sẽ đi, mà cũng không thu hút được nhà đầu tư mới”, vị này nói.

Sẵn sàng cơ chế hỗ trợ bằng tiền mặt

Đang có một cuộc đua mới “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, khi mà các nước liên tiếp tung ra nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm cạnh tranh thu hút đầu tư. Một ví dụ cụ thể, đó là châu Âu, Ba Lan, rồi cả Israel sẵn sàng chi hàng tỷ USD tiền mặt để giành được các dự án sản xuất chip bán dẫn của Intel.

Tương tự, Nhật Bản sẵn sàng chi hàng tỷ USD để thu hút được dự án quy mô lớn của nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan. Ngay cả Mỹ, thông tin gần đây cũng cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng sẵn sàng chi một ngân khoản không nhỏ cho các doanh nghiệp bán dẫn, bao gồm cả TSMC, để thúc đẩy họ xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ.

Trên thực tế, kể từ sau khi việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu được bàn thảo và thông qua, nhiều nước dù tuân thủ quy định mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), không dành ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nữa, nhưng sẵn sàng chi bộn tiền để hỗ trợ nhà đầu tư. Đó là lúc “cuộc chơi của nhà giàu” bắt đầu.

Để cạnh tranh thu hút đầu tư, Việt Nam đang nghiên cứu để thay đổi các chính sách ưu đãi đầu tư, thay vì ưu đãi bằng thuế thì có thể sẽ thực hiện các biện pháp ưu đãi dựa trên chi phí, kể cả là hỗ trợ bằng tiền mặt cho các nhà đầu tư. Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư hiện đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ đầu tư theo hướng này.

Theo đó, các khoản hỗ trợ từ Quỹ sẽ được chi trực tiếp bằng tiền, không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và được áp dụng cho 5 nhóm chi phí, bao gồm chi phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chi phí R&D; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có cơ chế này. Và vì thế, các nhà đầu tư rất hào hứng. Trong đó, quy định về việc hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao là một trong những nội dung đáng chú ý. Cơ chế này, trên thực tế, đã được Ấn Độ tiên phong triển khai từ năm 2020, trước cả khi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi. Quốc gia này đã quyết định hỗ trợ bằng tiền cho mỗi sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, trong đó có điện thoại di động. Và đó là lý do nhiều “ông lớn” thế giới, trong đó có Samsung, đã quyết định đầu tư lớn vào đây.

Có thể, tương tự, đây sẽ là cú hích để các “ông lớn” tiếp tục ở lại, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Và cũng sẽ có thêm “đại bàng” lựa chọn đến Việt Nam làm tổ.

Chia sẻ về việc cần thiết có chính sách hỗ trợ đầu tư, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Canon Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên sớm ban hành các chính sách này để gia tăng năng lực cạnh tranh, bởi nhiều nước trên thế giới cũng gia tăng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Thậm chí, theo bà Huyền, nên mở rộng đối tượng ưu đãi, tăng thêm các tiêu chí, ví dụ về thu hút đầu tư theo chuỗi, giải quyết việc làm. “Những tập đoàn có chuỗi cung ứng lớn, đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng cần được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư”, bà Huyền nói.

Tin bài liên quan