Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tính đến giữa tháng 6/2014, bộ này đã nhận được báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành công tác khám sức khỏe cho lái xe. Theo đó, các địa phương đã khám sức khỏe cho 134.947 lái xe, trong đó có 1.769 trường hợp không đảm bảo sức khỏe và phát hiện tới 382 trường hợp có sử dụng ma túy.
Cần phải nói thêm rằng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) và Bộ GTVT từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào đợt tổng rà soát này nhằm siết lại hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho lái xe vận tải chuyên nghiệp vốn bị buông lỏng trong nhiều năm qua.
“Kết quả phân tích từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe tải và xe khách gây ra cho thấy, điều kiện sức khỏe của người lái xe kinh doanh vận tải là một trong những nguyên nhân gốc khiến lái xe mất kiểm soát hành vi khi điều khiển phương tiện”, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế (Bộ GTVT) cho biết.
Trước đó, nhằm không để lọt lưới lái xe dương tính với ma túy, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị lãnh đạo Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế địa phương kiểm soát chặt công tác xét nghiệm, sàng lọc.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Bộ GTVT, kết quả khám sức khỏe lái xe lại cho thấy có nhiều dấu hiệu làm qua quýt, đối phó trong việc khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy sàng lọc cho các lái xe tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại một số địa phương
“Chúng tôi rất băn khoăn về tính chính xác của kết quả này”, ông Triển nói.
Chia sẻ mối quan ngại đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG cho biết, nếu so với mức bình quân của các nước trong khu vực (Thái Lan có tới 8% lái xe không đảm bảo sức khỏe qua khám định kỳ), thì sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của lái xe Việt Nam tốt một cách đáng ngạc nhiên (?).
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), trong khi một số tỉnh, thành phố đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ủy ban ATGTQG (TP.HCM, Hải Dương, Thái Nguyên), thì nhiều địa phương dù là điểm nóng về tai nạn giao thông, nhưng lại nộp kết quả “trắng” về số lượng lái xe dương tính với ma túy hoặc rối loạn sắc giác (Hà Nam, Hà Giang, Long An…).
“Một số địa phương đã để doanh nghiệp tự tổ chức khám sức khỏe mà không giám sát, nên không phản ánh đúng thực tế tình hình”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Theo quy định, doanh nghiệp vận tải phải tổ chức khám định kỳ 6 tháng/lần cho lái xe trong đơn vị. Đối với các trường hợp lái xe không đảm bảo sức khỏe, thì doanh nghiệp vận tải tạm thời cho nghỉ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe, sau đó mới tiếp tục hoạt động trở lại. Với lái xe có sử dụng chất ma túy, doanh nghiệp vận tải phải chấm dứt ngay hợp đồng lao động, không cho hành nghề lái xe ở doanh nghiệp mình.
“Cần biểu dương những địa phương làm “chặt tay”, bởi nếu không phát hiện và cho dừng kịp thời, thì đây sẽ là một mối họa lớn cho người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá.
Hiện Bộ GTVT đã đề xuất phối hợp với Bộ Y tế thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đối với công tác khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải, đề xuất hình thức xử phạt nghiêm đối với những đơn vị vi phạm, trong đó đặt trọng tâm vào các tỉnh có kết quả khám, nhưng không phát hiện được ca sử dụng ma túy nào.
“Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung quy định xử phạt cơ sở y tế, thầy thuốc thực hiện không đúng quy trình, quy định khi khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe vào Nghị định số 176/013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, ông Triển khẳng định.