Việc lớp nhà đầu tư này có tiếp tục gắn bó với thị trường hay không sẽ quyết định xu hướng của chỉ số trong thời gian tới.
Tính riêng trong phiên giao dịch ngày 11/6, chỉ số S&P 500 giảm 6%, khiến giá trị vốn hóa thị trường giảm sút khoảng 2.000 tỷ USD.
Đà bán tháo diễn ra mạnh nhất với các cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng trong tháng qua, bao gồm hàng không, ngân hàng và nhà sản xuất năng lượng.
Mặc dù sự điều chỉnh này còn khiêm tốn so với mức tăng khoảng 45% của S&P 500 kể từ mức thấp nhất vào cuối tháng 3/2020 cho tới nay, nhưng đó cũng là cơn dư chấn khiến tâm lý nhà đầu tư lay động, cũng như thức tỉnh về nền tảng tăng trưởng đang dựng xây trên nền kinh tế yếu.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nhảy vào thị trường trong vài tuần qua với cơn hưng phấn bất ngờ, khiến số lượng tài khoản mở mới tại Mỹ đạt mức kỷ lục trong quý I/2020.
Mike Mullaney, giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Boston Partners nhận định: “Nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch theo nhiều phương thức khác nhau. Sau cơn rung lắc vừa qua, họ cảm thấy như thế nào? Cảm giác này sẽ khiến họ nghi ngờ hành động đầu tư và tác động tới quyết định ở lại hay rời khỏi thị trường”.
Đáng chú ý, theo giới phân tích, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thường mang tới cơ hội săn tìm cổ phiếu tại mức định giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại không như vậy. Nếu đợt bán tháo vừa qua diễn ra vào năm 2019 thay vì 2020, đó sẽ là đợt giảm mạnh nhất trong 8 năm qua. Tuy nhiên, với việc đại dịch bất ngờ ập tới khiến thị trường lao dốc chóng mặt vào tháng 2, đà giảm này trở nên “khiêm tốn” hơn.
Bên cạnh đó, mức tăng hơn 40% của S&P 500 trong 2 tháng qua khiến định giá cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ hơn. Cụ thể, tính tới cuối tuần trước, S&P 500 vẫn đang giao dịch với P/E ở mức cao hơn 13% so với tháng 2, vào khoảng 21,3 lần.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 3 tháng qua.
“Đang có sự mất kết nối giữa thị trường và nền kinh tế. Đây chỉ là một đợt điều chỉnh nhỏ sau đà tăng mạnh. Tôi không cho rằng cơ hội mua vào đã tới khi P/E vẫn đang ở mức cao”, Giri Cherukuri, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Oakbrook Investments LLC chia sẻ.
Hiện tại, điều khiến các thành viên thị trường quan tâm chính là nhóm nhà đầu tư mới liệu có đủ sức “chịu đựng” nỗi đau đầu tiên.
Thực tế, trong đợt bán tháo cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là hàng không, nhà tổ chức du thuyền, doanh nghiệp du lịch…, cũng chính là nhóm tận hưởng đà tăng mạnh trong vài tuần qua nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư mới.
Có thể kể ra những cổ phiếu giảm mạnh nhất như American Airlines Group và Carnival Corp cùng giảm hơn 15%, các nhà bán lẻ Kohl’s Corp và Nordstrom Inc giảm ít nhất 11%. Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản Fangđ Netword Group Ltd (Trung Quốc) chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 75%...
Một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư mới chịu tổn thất lớn hơn là bởi khẩu vị lựa chọn cổ phiếu cũng như chiến lược đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư tổ chức, yếu tố quan trọng nhất là khả năng cải thiện doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Đây là lý do dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp đổ vào các công ty công nghệ khổng lồ và cổ phiếu nhóm y tế - dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Dòng tiền này mạnh tới mức chỉ số Russell 1000 Growth đang ở mức cao nhất kể từ “thời kỳ dotcom” tới nay.
Ở chiều ngược lại, nhóm nhà đầu tư cá nhân tìm tới các cổ phiếu được xem là rẻ, hoặc đang rẻ nhờ sự suy giảm khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, chính điều này tạo nên rủi ro cho họ. Chỉ số Dow Jones U.S Thematic Market Neutral Value, bao gồm các cổ phiếu được xem là rẻ so với các cổ phiếu đắt đỏ nhất, đã giảm 10% trong tuần vừa qua, cũng là mức giảm mạnh nhất trong cùng giai đoạn các năm kể từ khi Bloomberg ghi nhận dữ liệu tới nay.