Ông Phạm Đỗ Chí.

Ông Phạm Đỗ Chí.

Lòng tin được củng cố

(ĐTCK-online) Sự kiện ông Barack Obama thắng cử, trở thành Tổng thống thứ 44 của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán (TTCK) và nền kinh tế Mỹ? Dự báo Chính phủ Mỹ sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế và đâu là những gợi ý cần thiết cho Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này? Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc VinaCapital, người có nhiều năm sống tại Mỹ, am hiểu kinh tế, xã hội và chính trị Mỹ đã dành cho Báo ĐTCK cuộc phỏng vấn độc quyền nhân sự kiện này.

Thưa ông, ông bình luận gì về chiến thắng của tân Tổng thống thứ 44 nước Mỹ, Barack Obama?

Chiến thắng của ông Obama là chiến thắng áp đảo trước đối thủ. Những người bỏ phiếu cho ông Obama là những người trẻ tuổi, phụ nữ, một nửa số cử tri da trắng và gần như  đa số cử tri da màu… Điều đó chứng tỏ người dân Mỹ mong chờ một sự THAY ĐỔI (là khẩu hiệu suốt kỳ tranh cử của ông Obama) thật sự của xứ Mỹ, nhất là có thể đưa kinh tế Mỹ qua khỏi cơn khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Kinh tế Mỹ trong quý III năm nay đã suy giảm và quý IV sẽ còn tiếp tục suy giảm nữa. Tăng trưởng kinh tế trong 2 quý liên tục âm báo hiệu kinh tế Mỹ đã suy thoái. Trong bối cảnh đó, tâm lý dân chúng Mỹ hy vọng sự thay đổi có thể đến từ ông Obama. Chính sách kinh tế của Obama là không để người dân mất nhà ở do không trả nổi nợ ngân hàng, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu để họ có thể chi tiêu nhiều hơn, lấy đó làm cột trụ cho chính sách "kích cầu" để kích thích tiêu dùng trong nước, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp. Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt và kịch bản nhẹ nhàng nhất là phải mất từ 6 đến 9 tháng Mỹ mới giải quyết được khủng hoảng tín dụng, nhưng điểm tích cực là lòng tin của người dân, nhất là giới đầu tư, được củng cố.

Khi có lòng tin, người dân sẽ mạnh dạn vay tiền để chi tiêu lúc lãi suất giảm hơn. Các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng có cơ hội thiết lập lại lòng tin lẫn nhau để họ cho nhau vay tiền…

Diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy, có mối liên hệ khá chặt chẽ giữa biến động trên TTCK Mỹ với TTCK Việt Nam. Vậy theo ông, việc ông Obama thắng cử sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Mặc dù có nhiều thông tin tốt về kinh tế vĩ mô trong nước, song như đã thấy, từ hai tháng qua TTCK Việt Nam vẫn giảm điểm. Cho đến khi TTCK Mỹ và quốc tế tăng mạnh trở lại, TTCK  trong nước mới dần dần củng cố xu thế tăng điểm. Tôi tin là với việc dân chúng Mỹ tin tưởng vào Chính phủ mới, thị trường tài chính Mỹ sẽ có câu trả lời rõ ràng với kết quả thắng cử của ông Obama. Từ nay đến cuối năm, TTCK Mỹ hy vọng sẽ ổn định hơn và điều đó có nghĩa là báo hiệu màu xanh trên TTCK Việt Nam. Tôi tin là thị trường đã qua một đáy và nhà đầu tư có thể quay lại thị trường, mặc dù cần sự cẩn thận và chọn lựa cổ phiếu hơn thời gian 2006 - 2007 vừa qua.

Như ông đã nói, kinh tế Mỹ đang bước vào suy thoái, vậy theo ông dự báo, Chính phủ Mỹ sẽ có giải pháp nào tiếp theo để giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế?

FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng khi chính sách tiền tệ đạt tới giới hạn hiệu quả do lãi suất đã xuống quá thấp chẳng hạn, thì cần phải sử dụng chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn mới phát huy được tác dụng kích cầu. Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ áp dụng chính sách tài khóa là tăng chi tiêu dân sự của Chính phủ và cắt giảm thuế cho giới trung lưu, như trọng tâm của chính sách do ông Obama đã đề ra, để người dân chi tiêu nhiều hơn.

Từ nay đến cuối năm, kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ giảm phát. Theo ông, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần khởi động lại các chương trình hành động để kích cầu?

Việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản liên tục trong tháng qua là hành động rất kịp thời chứng tỏ Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc hạn chế tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kinh tế trong nước. Nhưng lãi suất cần nới lỏng nữa. Lãi suất cho vay phải giảm xuống 14-15% thay vì mức 17-18% hiện nay thì mới đáp ứng mục đích cởi trói cho kinh doanh. Kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng khoảng 5 đến 6% trong năm tới, là mức thấp so với mức 7 đến 8% của những năm đã qua, nhưng vẫn rất cao so với mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế thế giới lúc này. Để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 5 đến 6% cũng cần "cởi trói" cho các nhà sản xuất và kinh doanh, giúp họ tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Tăng trưởng công nghiệp trong 10 tháng đầu năm vẫn đạt 15,8% trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công từ đầu năm nay. Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, gồm khối tư nhân và đầu tư nước ngoài, hoạt động rất hiệu quả ngay cả trong bối cảnh khó khăn nhất. Lạm phát ở Việt Nam tăng cao, một phần do chi tiêu công không hiệu quả, nếu lại kích cầu bằng chi tiêu của Chính phủ, nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại sẽ làm mất đi thành quả chống lạm phát trong 6 tháng qua. Việt Nam cần tiếp tục linh hoạt trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, song phải thực thi chính sách tài khóa chặt chẽ. Tôi cho rằng, bài học lạm phát ở Việt Nam vẫn còn đó, nhưng chúng ta có thể đối đầu với suy thoái nếu biết chuẩn bị sớm.