Bộ máy quản trị của ngân hàng là thước đo lòng tin của khách hàng cũng như các cổ đông.

Bộ máy quản trị của ngân hàng là thước đo lòng tin của khách hàng cũng như các cổ đông.

Lòng tin có bị xói mòn?

(ĐTCK-online) Lòng tin của nhà đầu tư bị xói mòn nhiều khi chỉ bởi một hành động, một lời nói của một cá nhân trong bộ máy quản trị của ngân hàng.

Một bộ hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng gồm những gì? Theo hướng dẫn mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì cần rất nhiều điều, không đơn giản như thành lập một doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Để làm chủ tịch một ngân hàng, không chỉ nắm nhiều cổ phiếu, được đại hội đồng cổ đông bầu lên mà cần phải có sự phê chuẩn của NHNN. So với các doanh nghiệp bình thường, về quản trị thì yêu cầu của một ngân hàng khắt khe hơn nhiều, nhưng dường như vẫn chưa đủ.

Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý ngân hàng thì nhiều ngân hàng vẫn còn tồn tại hệ thống quản trị kém, lòng tin của nhà đầu tư vẫn bị xói mòn nhiều khi chỉ bởi một hành động, một lời nói của một cá nhân trong bộ máy quản trị đó.

 

Con sâu?

Mặc dù vụ việc ông Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) bị bắt mới đây hoàn toàn không liên quan đến bản thân SouthernBank. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành chứng khoán, với những sự việc xảy ra tương tự như trường hợp của Southern Bank sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và lòng tin của các cổ đông. Trước đây, khi thị trường cổ phiếu chưa phát triển và phổ biến, người ta thường ít quan tâm đến sự ảnh hưởng đối với cổ đông mà chủ yếu quan sát phản ứng từ người tiêu dùng.

Chẳng hạn như trường hợp của Ngân hàng ACB, khi sự việc xảy ra người dân đã ồ ạt đến rút tiền gửi. Nhưng với trường hợp của Southern Bank, dường như người tiêu dùng bình tĩnh hơn. Tình trạng rút tiền gửi không xảy ra tại các chi nhánh, trụ sở của Southern Bank sau 2 ngày ông chủ tịch của nhà băng bị bắt vì hành vi vi phạm cá nhân.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư chứng khoán, sự tác động dây chuyền sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý trong mua bán cổ phiếu ngân hàng. Các chuyên gia ngành chứng khoán cho rằng, trong bối cảnh chứng khoán ở Việt Nam đã phát triển rầm rộ, nhà đầu tư bắt đầu để mắt đến doanh nghiệp như một mấu chốt hàng đầu cho các quyết định mua bán cổ phiếu thì bộ máy quản trị luôn được đặt lên đầu tiên trên bàn cân.

Đó chính là cơ sở để nhà đầu tư đưa ra lý luận chặt chẽ khi đánh giá về chiến lược cũng như mục tiêu phát triển của một doanh nghiệp trong tương lai. Chính vì vậy, bộ máy quản trị của doanh nghiệp rất quan trọng, nhất là đối với những công ty đã có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung hoặc phi tập trung.

Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng luôn được kiểm soát bởi một cơ quan chủ quản  là NHNN. Do đó, rủi ro của ngành sẽ được kiểm soát chặt chẽ nên lòng tin của nhà đầu tư đặt vào cao hơn. Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh,  Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, so với những năm trước bộ máy quản trị của các ngân hàng cổ phần hiện đã được cải thiện nhiều và theo hướng bền vững. Vì mục tiêu của các ngân hàng là xây dựng chiến lược phát triển ổn định, bền vững nên bộ máy quản trị luôn được đặt lên hàng đầu.

 

Và nồi canh

Theo nhận định của ông Hạnh, để nâng cao khả năng cạnh tranh và đứng vững trên sân chơi bình đẳng, các ngân hàng cần có sự chuẩn bị tốt hơn về bộ máy quả trị. Bộ máy điều hành phải được xem là "nam chỉ kim" cho sự phát triển trong tương lai. Có như vậy, các ngân hàng mới đủ khả năng cạnh tranh khi thị trường xuất hiện thêm nhiều nhà băng mới.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho hay, tuy là ngành hoạt động có sự kiểm soát chặt che, thế nhưng, điều quan trọng đối với các ngân hàng hiện nay là sự kiểm soát chặt chẽ từ nội bộ. Hoạt động tài chính là một trong những ngành nhạy cảm nên theo vị tổng giám đốc trên bộ máy quản trị của ngân hàng rất quan trọng và đó chính là thước đo lòng tin của khách hàng cũng như các cổ đông. Tuy cổ phiếu của ngân hàng đã sụt giảm và không còn được xem là hàng hiếm như trước, nhưng sức hút của nó vẫn còn rất mạnh. Vì tại Việt Nam, hiện chỉ có 8% người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng, do đó tiềm năng phát triển của ngành còn rất lớn.

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là món hàng “xa xỉ”. Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, bản thân ông lâu nay vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam . So với các loại cổ phiếu khác, VinaCapital rất muốn đầu tư vào ngành tài chính - ngân hàng, nhưng hiện luật pháp Việt Nam còn hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nên chưa có nhiều cơ hội đầu tư. VinaCapital đang hoàn tất thủ tục để mua 5% cổ phần của Ngân hàng Eximbank Việt Nam .

Theo ông Ho, trong hệ thống các ngân hàng cổ phần Việt Nam hiện nay thì các đơn vị quy mô vừa và nhỏ tiềm có năng phát triển rất lớn nên sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư bỏ vốn. Vì với các nhà băng quy mô vốn vừa và nhỏ này sẽ phải tiếp tục cũng cố nội lực, vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.