Ảnh Internet

Ảnh Internet

Lỏng lẻo cho vay qua app

(ĐTCK) Thời gian qua, hoạt động cho vay công nghệ cao (qua app) nở rộ. Các app này đều cho vay dễ, vay nhanh nhưng lãi suất rất cao đẩy nhiều người vay vào vòng xoáy nợ nần. Pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng lộn xộn trên thị trường này.

Bát nháo thị trường cho vay online

Anh Nguyễn Công Hùng (Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc của anh bị đình trệ, nguồn thu không có, đầu tháng 5/2020, anh đã vay số tiền 3 triệu đồng trên một trang web để trang trải cuộc sống.

Khi đến hạn trả nợ, anh Hùng không có tiền thanh toán tiền gốc và lãi khiến món vay quá hạn. Chỉ quá hạn 13 ngày mà anh bị đòi tiền lãi phạt lên đến 5 triệu đồng.

“Bên cho vay ráo riết đòi nợ bằng cách đăng ảnh, thông tin cá nhân của tôi lên mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tôi đã buộc phải nhờ luật sư tư vấn để giải quyết”, anh Hùng than thở.

Còn anh Phạm Minh Chí (Bắc Ninh) bức xúc, ngày 14/5/2020, anh mua một chiếc sim điện thoại 4G cho con trai học trực tuyến. Những ngày sau đó, anh liên tiếp nhận được hàng chục tin nhắn đòi tiền dù anh không có khoản vay từ bất kỳ một tổ chức nào.

Tìm hiểu về hoạt động này, người viết thử gõ từ khóa “vayonline”, ngay lập tức trên màn hình điện thoại tràn ngập các trang web cho vay online như Oneclick Money.vn, Cashwagon, Online Atome… 

Các trang web cho vay này đều giới thiệu thủ tục vay nhanh chóng, tiện lợi, các mức cho vay đa dạng từ 2 - 10 triệu đồng, không cần thế chấp, không yêu cầu ký hợp đồng, hay “3 phút xin 24 giờ nhận”…

Tại một trang web cho vay kiểu này, khoản vay được thể hiện bằng hợp đồng dịch vụ ba bên, song có một số điều khoản gây bất lợi cho người sử dụng.

Ví dụ, điều khoản về trách nhiệm của bên B: “Trường hợp Bên B không trả nợ đúng hạn và trả đủ khoản vay, Bên A hoặc Bên C đều có quyền công khai thông tin cá nhân của Bên A cùng các thông tin khác liên quan để thu hồi khoản vay”, và “Trường hợp Bên B cố tình không trả nợ đúng hạn, Bên B phải thực hiện các trách nhiệm liên quan bao gồm nhưng không giới hạn như triệu tập làm việc, nhắc nợ cá nhân và người thân, áp dụng các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp khác”.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, đây là hợp đồng vay dân sự do các bên thỏa thuận. Do đó, nội dung và các điều khoản đơn giản hơn nhiều so với hợp đồng tín dụng.

Ðiều này sẽ dẫn đến rủi ro cho khách hàng, vì bên cho vay có thế mạnh và khi đã ký vào hợp đồng thì khách hàng không thể thay đổi, làm rõ những điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Bên vay có thể phải lĩnh những hậu quả rất nặng nề nên cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19, nhiều khách hàng tìm đến các khoản vay onine như một lối thoát khi không vay được tại ngân hàng hay công ty tài chính, vốn đòi hỏi những điều kiện khắt khe, thủ tục chặt chẽ.

Dù hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý quy định về hoạt động cho vay qua app, cho vay ngang hàng (P2P)  nhưng trên thị trường, hoạt động cho vay qua app vẫn diễn ra rầm rộ.

Nhiều công ty trong số này tạo ra các app cho vay với lãi cao, cách đòi nợ không chính thống, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, “bóp méo” thị trường cho vay online.

iDong từng bị khiếu nại khi sử dụng trái phép hình ảnh, cắt ghép clip phỏng vấn ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NextTech trên chương trình khác và lồng tiếng nội dung quảng cáo về iDong để ngụy tạo uy tín nhằm lừa đảo khách hàng về dịch vụ vay nặng lãi.

Ngoài ra, họ còn giả mạo nhiều chương trình uy tín khác như Chuyển động 24h, Thời sự VTV1...

Thực tế, đến đầu năm 2020, Công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam (chủ quản của dịch vụ iDong) đã thông báo dừng hoàn toàn cung cấp dịch vụ kể từ ngày 1/12/2019 và không có bất kỳ sản phẩm tương tự nào khác trên thị trường.

Song theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi trang idong.vn đóng cửa thì trên thị trường xuất hiện cái tên khác là idongvn.com quảng bá vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân qua app Tamo, cashwagon, Senmo, Vamo, Robocash... và idong.info.

Gỡ rồi lại mọc, nhiều người ví hoạt động cho vay qua app núp bóng tín dụng đen như “vòi bạch tuộc” len lỏi vào đời sống người dân.

Tình trạng này không chỉ gây rủi ro cho phía người sử dụng mà những công ty công nghệ chân chính muốn tồn tại cũng chật vật.

Trong khi đó, từ phía người đi vay, trên một số diễn đàn, group, xuất hiện những bài viết của thành viên chỉ dẫn cách thức “bùng tiền” của các app cho vay. Có trường hợp khách hàng làm giả hồ sơ, giấy tờ để “qua mặt” các app.

Cần khung pháp lý riêng

Với sự phát triển nóng thời gian qua, vào hồi tháng 4/2020, cơ quan điều tra đã triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app mang tên Vaytocdo, Moroloan, VD Online. Ước tính, có hơn 60.000 người vay chịu lãi suất “cắt cổ” tới 1.095%/năm.

Luật sư Nguyễn Văn Ðãng phân tích, theo khoản 1, Ðiều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất trong giao dịch dân sự, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tức là, lãi suất cao nhất trên tháng là 1,666%.

Khoản 1, Ðiều 201, Bộ luật Hình sự 2015 này quy định hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là mức lãi suất cho vay vượt gấp 5 lần mức cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Như vậy, nếu người nào có hành vi cho vay với lãi suất vượt 8,33%/tháng sẽ cấu thành tội cho vay nặng lãi.

Với các quy định pháp luật và các vụ án cho vay app thời gian qua, luật sư Ðãng cho rằng, đây là hoạt động cho vay nặng lãi núp bóng sử dụng công nghệ cao.

Các ứng dụng vay tiền nêu trên là do các đối tượng phạm tội tạo ra và sử dụng làm công cụ phạm tội, nên cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc xử lý về hành vi của các đối tượng tạo ra, sử dụng app nêu trên nên chỉ có thể xử lý về tội cho vay nặng lãi.

Thông tin được ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại cuộc tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng” do Báo Ðầu tư tổ chức hôm 21/5 vừa qua cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức đang chiếm 15 - 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Cho vay qua app, cho vay ngang hàng là một trong những thành phần đang cấp vốn cho khu vực này.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHB Finance phản ánh về những hệ lụy của sự phát triển tự phát, thiếu kiểm soát của dịch vụ cho vay qua app này với các công ty tài chính.

Theo đó, trong 40 công ty đang hoạt động cho vay bằng hình thức P2P, có nhiều công ty có điều kiện cho vay dưới chuẩn của các công ty tài chính.

Thông tin khách hàng vay không được cập nhật trong hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) nên nếu khách hàng có nợ xấu với các công ty P2P nộp hồ sơ vay vốn tại công ty tài chính thì công ty tài chính cũng không nắm được.

"Các công ty đang hoạt động cho vay bằng hình thức P2P cho vay dễ dàng vô hình trung đã làm thay đổi hành vi vay tiền và trả nợ của khách hàng theo hướng tiêu cực. Theo đó, cần có khuôn khổ pháp lý riêng cho nhóm công ty này để có chế tài quản lý hoạt động và kiểm tra được lịch sử nợ của khách hàng vay tại đây", bà Vy kiến nghị.           

Tin bài liên quan