Công ty Shop VAC Vietnam tại Hải Dương đã ngừng hoạt động từ tháng 9/2020. Ảnh: Hoàng Giang

Công ty Shop VAC Vietnam tại Hải Dương đã ngừng hoạt động từ tháng 9/2020. Ảnh: Hoàng Giang

Long đong xử lý tài sản của Shop VAC

0:00 / 0:00
0:00
Sáu tháng sau khi “bỏ trốn”, để lại khoản nợ không nhỏ, Shop VAC (chuyên gia công, sản xuất máy hút bụi) tìm được doanh nghiệp mua lại tài sản của mình, nhưng chưa thể thanh toán các khoản nợ.

Có tiền, nhưng chưa thể trả nợ

Hôm qua (25/3), một lần nữa, các sở, ngành chức năng ở Hải Dương đã “ngồi lại” với đại diện Công ty Shop VAC Vietnam (SVV, 100% vốn Hồng Kông) để bàn thảo việc xử lý khoản nợ còn tồn đọng của công ty này. Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, mọi việc sẽ sớm được giải quyết, bởi theo Shop VAC, các tài sản của Công ty ở Hải Dương đã tìm được nhà đầu tư mua lại.

Doanh nghiệp mua lại chính là Công ty TNHH United Vietnam (công ty con của Greatstar). Trong văn bản được gửi tới các sở, ngành chức năng của Hải Dương vào ngày 18/3, Shop VAC Vietnam, thông qua cố vấn pháp lý của mình là Công ty Luật TNHH Duane Morris Việt Nam, đã chính thức thông báo điều này.

Theo thông báo của Duane Morris, thì SVV và United Vietnam đã ký hợp đồng mua bán tài sản nhằm bán máy móc, trang thiết bị và nguyên vật liệu hiện có và số tiền bán được đã “sẵn sàng” chuyển vào tài khoản ngân hàng của SVV tại Việt Nam.

“SVV đã nhận được phần lớn khoản tiền thanh toán và rất mong sớm được trả cho người lao động và Bảo hiểm Xã hội Hải Dương”, Duane Morrist khẳng định.

Hiềm một nỗi, tài sản đã được bán, tiền đã có, nhưng SVV lại không thể trả nợ. Vấn đề ở chỗ, ông Jonathan Miller, đại diện theo pháp luật của SVV hiện không ở Việt Nam và cũng không còn làm việc cho SVV. Mặc dù ông này sau khi rời Việt Nam đã ủy quyền cho ông Bradley Scher thay mặt mình xử lý các công việc còn lại của SVV, nhưng ông Scher lại không phải là người đăng ký giao dịch với ngân hàng của SVV (Vietcombank, Chi nhánh Hải Dương). Do đó, ông Scher không thể thay mặt SVV để duyệt bất kỳ khoản thanh toán nào từ tài khoản của Công ty SVV.

Trong khi đó, Vietcombank yêu cầu việc ký ủy quyền phải được thực hiện tại ngân hàng, trước sự chứng kiến của đại diện ngân hàng. “Nhưng điều này là không thể thực hiện trong điều kiện hiện tại, bởi cả hai ông này đang không ở Việt Nam và ông Jonathan Miller không còn làm cho SVV”, Duane Morris cho biết.

Covid-19 có lẽ cũng là một trong những lý do khiến các đại diện này không thể có mặt tại Việt Nam trong lúc này để ký ủy quyền. Chưa kể, theo Duane Morris, SVV đang duy trì hai loại token, một token làm lệnh để ở văn phòng SVV, một token duyệt lệnh do ông Edwin giữ, nhưng hiện tại lại không thể liên lạc được với ông Edwin. Bởi thế, bất kỳ khoản thanh toán nào từ tài khoản của SVV đều đang bị chặn.

Tiền đã có mà không thể trả nợ vì vướng thủ tục ngân hàng. Đó là lý do khiến SVV, thông qua Duane Morris, đề nghị có một cuộc làm việc giữa các bên để giải quyết vấn đề này.

“Chúng tôi hiểu rằng, nếu tình trạng này không được xử lý ngay lập tức, thì người lao động sẽ là người thiệt thòi nhất do họ đã không được trả lương trong nhiều tháng qua, kể từ khi SVV có quyết định giải thể chính thức”, Duane Morris nói.

Đó là một trong những lý do vì sao, Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương tổ chức buổi làm việc giữa các bên vào ngày hôm qua.

Chậm xử lý, cơ hội có thể vuột mất

Việc sớm xử lý các vướng mắc của Shop VAC không chỉ giúp sớm giải quyết các khoản nợ đọng, mà còn là tạo điều kiện để nhà đầu tư mới sớm tiếp quản cơ sở cũ và bắt đầu các hoạt động đầu tư, kinh doanh mới.

Shop VAC bắt đầu hoạt động tại Hải Dương vào năm 2013 và kể từ đó đến trước tháng 9/2020, mọi hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Mọi chuyện chỉ bắt đầu từ trung tuần tháng 9/2020, khi 800 công nhân của Shop VAC Việt Nam bất ngờ nhận thông báo tạm nghỉ việc để chờ nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, sau đó, không có bất cứ hoạt động sản xuất nào được khởi động trở lại. Người đại diện theo pháp luật của SVV thì bỏ về nước, không có mặt tại doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề liên quan.

Khi ấy, 800 công nhân của Shop VAC liên tục tập trung trước cổng nhà máy để đòi quyền lợi. Họ mới chỉ được trả lương đến hết tháng 8/2020. SVV còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 7/2020. Tổng khoản nợ này, theo Bảo hiểm Xã hội huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), khoảng 3,2 tỷ đồng. Cũng theo Bảo hiểm Xã hội huyện Kim Thành, từ năm 2019, Shop VAC đã có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, khi thường xuyên chây ỳ, chậm đóng các khoản bảo hiểm.

Nhưng không chỉ là nợ bảo hiểm, thông tin từ Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài (chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Thái, nơi Shop VAC đặt nhà máy), thì SVV còn chưa trả tiền thuê nhà xưởng từ tháng 7/2020 và đang còn nợ hơn 11 tỷ đồng.

Không những thế, Shop VAC còn nợ 22 tỷ đồng tiền hàng của Công ty TNHH Quốc tế Thanh Sang. Công ty này vào đầu năm 2020 đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Shop VAC, nhưng chưa được thanh toán, sau đó đã nhiều lần liên hệ với đại diện Công ty Shop VAC để thanh toán khoản nợ, nhưng không được phản hồi. Vì lẽ đó, Thanh Sang đã “kêu cứu” tới các cơ quan chức năng của Hải Dương.

Để giải quyết các vướng mắc ở Shop VAC, cuối năm ngoái, UBND tỉnh Hải Dương và các sở, ngành chức năng đã liên tục tổ chức các cuộc họp để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, để giải quyết nợ nần, phương án tối ưu nhất vẫn là thanh lý tài sản để trả nợ, bởi khoản nợ mà Shop VAC để lại không hề nhỏ.

Việc rốt ráo xử lý còn tạo cơ hội để sớm “hồi sinh” nhà máy Shop VAC. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Greatstar sẽ là đơn vị “tiếp quản” khu nhà xưởng này để thực hiện việc sản xuất. Greatstar không chỉ mua mỗi nhà máy Shop VAC ở Hải Dương, mà đã mua lại toàn bộ Công ty Shop VAC vào tháng 12/2020.

Greatstar là một trong những nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất ở châu Á. Việc mua lại Shop VAC sẽ giúp Greatstar bổ sung năng lực. Nhưng điều quan trọng hơn, việc này cho thấy, Greatstar sẽ có bước đi dài hơi hơn ở Việt Nam.

Tin bài liên quan