“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ I): TH1 rơi khỏi sàn vì đầu tư cổ phiếu

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ I): TH1 rơi khỏi sàn vì đầu tư cổ phiếu

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp "trống dong, cờ mở" khi chào sàn niêm yết với những kỳ vọng và kế hoạch tăng trưởng khả quan. Nhưng sau khi niêm yết, tất cả đã thành dĩ vãng khi bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc vào diện kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư đã ngậm ngùi vì thua lỗ khi "đầu tư nhầm mã" hoặc là nạn nhân của việc "đua mua theo tin đồn".

KỲ 1:  TH1 RƠI SÀN VÌ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU

Lên sàn với báo cáo tài chính ấn tượng, cổ phiếu TH1 được nhiều nhà đầu tư săn đón với mức giá trên dưới 70.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty tụt dần đều, cùng với đó giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh khi hiện đang ở mức 5.000 đồng/CP. Đặc biệt, TH1 vừa bị HNX hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ 3 năm liên tiếp với số lỗ lũy kế vượt vốn góp chủ sở hữu. 

"Phú quý giật lùi" 

TH1 chào sàn HNX vào ngày 11/11/2009 với giá đóng cửa phiên đầu tiên gần 70.000 đồng/cổ phiếu với gần nửa triệu đơn vị được khớp (giá trung bình 67.400 đồng).

Cổ phiếu này sau đó tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư với mức giá giao dịch trên dưới 70.000 đồng/cổ phiếu.

Lý do TH1 được quan tâm và mức giá cao do nhà đầu tư kỳ vọng với kế hoạch kinh doanh ấn tượng của Công ty với lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2009-2011. Cụ thể, năm 2010, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 30,15 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2009, năm 2011 là 36,78 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2010. Cổ tức trong giai đoạn này là 20%/năm.

Thực tế, năm 2009, TH1 đạt lợi nhuận sau thuế tới 79 tỷ đồng, tăng 95,44% so với thực hiện của năm 2008. Năm 2010, Công ty đạt 56,32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm 28,7% so với năm đột biến 2009, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt theo bản cáo bạch niêm yết (vượt 86,8% so với kế hoạch).

Tuy nhiên, đó chính là giai đoạn đỉnh cao của TH1 khi các năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty biến động theo kiểu "phú quý giật lùi".

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã TH1 - sàn HNX).

- Tên giao dịch GENERALEXIM, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1981 và đuợc cổ phần vào năm 2006, có trụ sở chính tại 46 Ngô Quyền, Hà Nội.

- Vốn điều lệ: 135,4 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu đang niêm
yết 13.539.267 cổ phiếu.

- Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh nông, lâm, thủy sản, khoảng sản, hàng thủ công mỹ nghệ, tạp phẩm, hàng công nghiệp, hàng gia công chế biến trong nước và nhập khẩu. Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở văn phòng, cho thuê, căn hộ, kho bãi, nhà xưởng…

Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của TH1 giảm 62%, xuống 21,46 tỷ đồng, năm 2012 tiếp tục giảm 48,4%, xuống 11,08 tỷ đồng, năm 2013, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 7,38 tỷ đồng, giảm 33,4%, năm 2014 tiếp tục giảm 44,2% và năm 2015, Công ty lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết.

Với kết quả kinh doanh thụt lùi, giá cổ phiếu TH1 cũng teo tóp theo qua các năm.

Chỉ sau hơn 2 năm niêm yết, thị giá cổ phiếu TH1 đã lao xuống ngưỡng trên dưới 17.000 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục trở lại vùng 25.000 đồng vào cuối năm 2012 và nhảy mạnh vào giữa năm 2013 lên vùng 35.000 đồng.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, TH1 lịm dần, rơi về mệnh giá (ngày 8/11/2016) và tiếp tục đi xuống hiện ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

"Chìm xuồng" vì đầu tư cổ phiếu, nợ vay và nợ khó đòi

Trở lại với hoạt động kinh doanh của TH1. Như đã đề cập ở trên, sau khi có kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2009 và duy trì khá tốt 1 năm sau đó, kết quả kinh doanh của TH1 đã giảm dần đều từ năm 2011 và năm 2015, Công ty chính thức ghi nhận mức lỗ và là năm lỗ đầu tiên kể từ ngày niêm yết.

Cụ thể, năm 2015, TH1 đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.055,45 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2014; lợi nhuận gộp đạt 40,54 tỷ đồng, giảm 29,5%; nhưng lỗ tài chính tới 64,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2014. Qua đó khiến Công ty lỗ sau thuế tới 134,38 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ của TH1 đã rất bức xúc vì sự tuột dốc không phanh của Công ty.

Theo giải trình của TH1, nguyên nhân thua lỗ trong là do tính đến thời điểm 31/12/2015, giá cổ phiếu EIB mà TH1 nắm giữ chỉ còn 10.900 đồng/cổ phiếu, nên phải trích lập dự phòng 21 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí doanh nghiệp tăng đột biến do lãi vay ngân hàng và phải trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi như khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Trung Thành và một số khoản nợ khác trên 70 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty vay nợ chủ yếu bằng USD, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 5%, khiến lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 21 tỷ đồng.

Trình phương án khắc phục, TH1 cho biết đã thành lập bộ phận chuyên trách thu hồi công nợ, nhằm tìm biện pháp thu hồi nhanh nhất các khoản nợ quá hạn và đây là công tác ưu tiên thường xuyên.

Ngoài ra, công ty sẽ cơ cấu lại các tài sản không mang lại hiệu quả để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vẫn mở rộng quy mô kinh doanh, đảm bảo an toàn vốn.

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ I): TH1 rơi khỏi sàn vì đầu tư cổ phiếu ảnh 1

Kết quả kinh doanh từ năm 2010-2017 của TH1 

Năm tài chính 2016, không những không khắc phục được tình trạng thua lỗ của năm 2015, mà hoạt động kinh doanh của TH1 còn bết bát hơn.

Cụ thể, năm 2016, TH1 chỉ ghi nhận 307,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 71% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế âm hơn 133,74 tỷ đồng, tương đương năm 2015.

Trước tình trạng kinh doanh bết bát trên, cổ phiếu TH1 đã bị HNX đưa vào diện kiểm soát từ ngày 204/2017. Theo đó, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Sau đó, TH1 đã có giải trình với HNX. Theo giải trình, TH1 cho biết, nguyên nhân lỗ không phải đến từ kết quả kinh doanh, mà do vẫn còn những khoản nợ đọng khó đòi trong thời gian dài các năm trước, Công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đồi lên đến 64 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay chủ yếu bằng USD, nên chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ hơn 7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính tới thời điểm 31/12/2016, một số mã cổ phiếu do Công ty đầu tư giảm giá so với giá vốn nên phải trích lập dự phòng khoản giảm giá 31,3 tỷ đồng....

Một điểm nữa là  khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng gặp khó khăn do huy động vốn không thuận lợi và cũng do không có nguồn tài chính để thanh toán nợ quá hạn nên phải chịu mức lãi suất cao hơn, dẫn đến chi phí tài chính ngày một tăng.

Về phương hướng khắc phục, TH1 đã bê nguyên xi bản trình phương án khắc phục của năm 2015... 

Với giải trình đó, từ ngày 27/4/2017, HNX đã dỡ bỏ hạn chế giao dịch của cổ phiếu TH1.

Tuy nhiên, nếu không khắc phục được được việc thua lỗ trong năm 2017, TH1 sẽ đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc và điều xấu nhất với cổ phiếu này đã xảy ra.

Cụ thể, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho thấy, doanh thu của TH1 tiếp tục sụt giảm, chỉ bằng một nửa so với năm 2016 ở mức 154,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 142 tỷ đồng, tăng 6%.

Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2017, TH1 đã lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp gần 277 tỷ đồng, vượt vốn góp chủ sở hữu 135,4 tỷ đồng.

Theo giải trình từ ban lãnh đạo TH1, nguyên nhân lỗ trong năm 2017 bởi các khoản nợ đọng khó đòi tích tụ trong thời gian dài và khó khăn trong việc huy động vốn không thuận lợi.

Cùng với đó là các chi nhánh lớn như Chi nhánh Đà Nẵng và Chi nhánh tại Liên Phương - Thường Tín hoạt động không hiệu quả nên đã bị đóng cửa. Các chi nhánh khác như TP.HCM bị thu hẹp và Chi nhánh Hải Phòng gặp khó khăn.

Ngoài ra, năm 2017 công ty cũng không còn ghi nhận doanh thu xuất khẩu từ các mặt hàng gạo, điều và cao su. Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu được xác định là chủ lực là hạt tiêu giảm mạnh 42% so với năm 2016 còn hơn 2,48 triệu USD…

Đơn vị kiểm toán cũng đã nêu vấn đề cần nhấn mạnh về toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng lên… Những yếu tố này cho thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục củaTH1.

Cụ thể, tính tới cuối năm 2017, TH1 có hơn 331 tỷ đồng nợ xấu, đến từ Công ty Xuất nhập khẩu Phước Tiếng (36 tỷ đồng), Thanh Phát HQ (81 tỷ đồng), Thanh Phát (30 tỷ đồng), Trung Thành (55 tỷ đồng), Thực phẩm C.M.T (36 tỷ đồng)...

Trong khi đó, TH1 cũng đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, bao gồm 282 tỷ đồng tại VietABank; 131 tỷ đồng tại SHB (vay bằng USD), gần 65 tỷ đồng tại Vietinbank..

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 tổ chức ngày 9/3 vừa qua, ban lãnh đạo TH1 cho biết, đã xây dựng kế hoạch tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn thông qua việc tái cơ cấu nợ với ngân hàng, thu hồi nợ và thanh lý một số khoản đầu tư, tài sản của công ty...

Tuy nhiên, với kết quả thua lỗ 3 năm liên tiếp và lỗ lũy kế vượt vốn góp chủ sở hữu, mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TH1 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam kể từ ngày 20/4/2018.

Quyết định trên khiến nhiều nhà đầu tư nhỡ ôm cổ phiếu TH1 bị mắc kẹt, bởi cổ phiếu này gân như rất ít có giao dịch kể từ đầu năm đến nay.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan