Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập - một trong những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm độc đáo ở Long An

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập - một trong những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm độc đáo ở Long An

Long An xây dựng thương hiệu du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Với những sản phẩm du lịch đặc thù được khai thác trên cơ sở các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh, Long An đang từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Là địa phương nằm trong vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, Long An có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười; hệ thống sông Vàm Cỏ… Bên cạnh đó, Long An còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, các làng nghề truyền thống gắn với quá trình khẩn hoang mở mang bờ cõi và đấu tranh giữ nước.

Đặc biệt, do tiếp giáp TP.HCM, Long An có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch vệ tinh của trung tâm đầu mối du lịch lớn nhất cả nước, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn…

Tỉnh Long An tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia đầu tư vào các khu, điểm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương.

- Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An

Với quan điểm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên những lợi thế so sánh của địa phương, Long An xác định sản phẩm du lịch đặc thù khai thác trên cơ sở các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh, gồm du lịch sinh thái vùng ngập nước, du lịch sông Vàm Cỏ và các dịch vụ vui chơi giải trí… Qua đó, tạo sức hấp dẫn riêng, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Long An.

Đường biên giới dài với Vương quốc Campuchia, các cửa khẩu quốc tế giữa 2 nước là điều kiện thuận lợi để Long An phát triển du lịch quốc tế, kết nối các tuyến du lịch trong nước, kết hợp du lịch vùng Đồng Tháp Mười và liên tuyến quốc tế sang Campuchia.

Tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác tuyến du lịch hạ lưu sông Vàm Cỏ hướng về các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc dọc tuyến Quốc lộ 50 với điểm nhấn là du lịch cộng đồng, thưởng thức các món ăn đặc trưng dân dã theo mùa của người dân địa phương và trải nghiệm chế biến các sản phẩm đặc trưng vùng miền như: cốm ngò, mắm còng (Cần Giuộc); lạp xưởng, bánh phồng, bánh ít, bánh tét (Cần Đước); bánh in (Tân Trụ); nem nướng, rượu Thanh Long, thanh long sấy (Châu Thành)…

Là điểm du lịch vệ tinh của TP.HCM, Long An tiếp tục nâng cấp, khai thác và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các hạng mục trọng tâm, trọng điểm của tỉnh để đón tiếp nguồn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…). Đây là nguồn du khách đáng kể trong thời điểm hiện nay.

Theo Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Long An tập trung đầu tư khai thác du lịch khám phá, trải nghiệm hệ sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười với 3 điểm du lịch quan trọng là: Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; du lịch tham quan trải nghiệm vào mùa nước nổi; du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ.

Đối với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, phát triển thành điểm du lịch đón khách chính thức và thường xuyên, góp phần dần hình thành tuyến du lịch và giúp phát triển các điểm du lịch khác trong khu vực; xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch của Long An gắn với Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi.

Đối với Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, tiếp tục triển khai, nâng cấp các cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu bán quà lưu niệm, khu vui chơi giải trí. Ngoài ra, nhà đầu tư trang bị thêm các phương tiện vận chuyển như: ghe thuyền, tắc ráng… để du khách được tham quan trải nghiệm khi đi dọc theo các con kênh, rạch cũng như hoàn chỉnh các trạm dừng chân trên những con đường bê-tông trong khu rừng tràm nguyên sinh, tạo cảm giác cho du khách được trải nghiệm và tìm hiểu về hệ sinh thái của khu vực Đồng Tháp Mười.

Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và Nam bộ nói chung, vì nơi này có khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam với diện tích hơn 900 ha; 21 loài thực vật bậc cao và gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên bản, như: cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu... Ngoài ra, Trung tâm mở thêm khu nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo y học cổ truyền như: tắm thuốc lá, xông hơi, ngâm chân…, góp phần bổ sung, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Nơi đây là điểm nhấn của du lịch thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười với mô hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng…

Du lịch tham quan mùa nước nổi được tổ chức vào mùa lũ từ tháng 8 đến cuối tháng 12 hằng năm. Bên cạnh các hoạt động du lịch chung, một số hoạt động đặc thù có thể tổ chức cho du khách là: tham quan tìm hiểu đời sống và sinh hoạt của người dân trong mùa nước nổi, tham quan các vùng sinh thái đặc thù Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi, tham quan các làng nổi trong vùng ngập nước, đi thuyền, thưởng thức đặc sản của mùa nước nổi…

Đối với du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ, hình thành các tour trải nghiệm cảnh quan sông nước kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa, trang trại nông nghiệp, làng nghề dọc hai bên sông.

Những năm qua, Long An tăng cường quảng bá, xúc tiến mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng du lịch địa phương nói chung, đặc biệt là nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ đặc thù, nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười là điểm nhấn của du lịch Long An
Giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười là điểm nhấn của du lịch Long An

Khai thác dịch vụ tại các khu di tích lịch sử - văn hóa

Bên cạnh lợi thế về du lịch sinh thái, Long An còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có khả năng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có 120 di tích lịch sử - văn hóa (trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 99 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Tiêu biểu như: Di tích lịch sử quốc gia Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), Di tích lịch sử quốc gia Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (huyện Tân Thạnh), Khu lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP. Tân An); nhà Trăm Cột, đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước), di tích văn hóa Óc Eo (huyện Đức Hòa)…

Thời gian qua, đa số các di tích lịch sử - văn hóa ở Long An được trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đã kêu gọi đầu tư khai thác di tích lịch sử - văn hóa, thu hút thêm các nguồn lực của xã hội, phục vụ việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Vừa qua, đã có một số nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch tại các khu di tích lịch sử - văn hóa như: điểm du lịch Đồn Rạch Cát, khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa…

Tháo gỡ khó khăn, phát triển du lịch

Với sự quan tâm đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các thành phần kinh tế, du lịch Long An ngày một khởi sắc hơn, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, du lịch Long An vẫn chưa phát triển tương xứng. Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù chỉ mới trong giai đoạn đầu tư phát triển, chưa tạo được sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao. Việc khai thác, phát huy các di tích phần lớn cũng chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, một trong những trở ngại lớn ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch hiện nay của tỉnh là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.

Đối với các khu di tích lịch sử - văn hóa, công tác xã hội hóa, mời gọi đầu tư phát huy giá trị gắn với khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, để khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, về di tích lịch sử - văn hóa, tạo thành điểm nhấn cho những dự án du lịch trọng điểm, tỉnh sẽ nâng cao công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm tham quan; nghiên cứu cơ chế, chính sách mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch...

Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đã và đang được triển khai như: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen do Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười đầu tư; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười và Khu du lịch Cánh đồng bất tận do Công ty cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đầu tư.

Ngoài ra, còn có nhiều dự án phát triển du lịch khác được đầu tư, bước đầu đưa vào phục vụ như: Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland); Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ; Dự án Vườn Thú Mỹ Quỳnh; sân West Lakes Golf và Villass Long An quy mô 18 lỗ đã đưa vào hoạt động...

Tin bài liên quan