Long An tập trung nguồn lực cho phát triển kết nối giao thông với vùng ĐBSCL và TP.HCM (ảnh: Báo Long An online)
Nhiều dự án giao thông huyết mạch sắp khởi công
Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An vừa cho biết, trong tháng 12/2021, Sở Giao thông Vận tải sẽ khởi công tuyến ĐT823D có chiều dài 14,2 km, đây là trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM. Dự án có điểm đầu là giáp ranh TP.HCM - Long An (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), điểm cuối là nút giao Quốc lộ N2 (vòng xoay Hậu Nghĩa) với tổng mức đầu tư hơn 1.490 tỷ đồng. Tuyến đường mới này sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối vùng giữa đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 quy hoạch của TP.HCM và kết nối vào đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư.
Dự kiến đến đầu năm 2022, tỉnh Long An sẽ tiến hành khởi công hàng loạt dự án bao gồm ĐT826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc) dài 1,6 km và tuyến đường kết nối dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E dài 2 km. Cả hai đoạn trên có tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng. Đây là tuyến đường mới hoàn toàn, tuyến đường sẽ kết nối với tuyến Tân Lập - Long Hậu.
Tỉnh cũng dự kiến sẽ khởi công một tuyến đường mới nằm trong khu quy hoạch Bắc Bến Lức là đường Lương Hòa - Bình Chánh (giáp ranh Bến Lức - TP.HCM) dài 6,2 km. Dự án có điểm đầu là bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối giáp ranh TP.HCM, có tổng mức đầu tư hơn 2.270 tỷ đồng. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ phục vụ phát triển vận chuyển hàng hóa, các khu thương mại, dịch vụ trong quy hoạch Bến Lức; đồng thời, kết nối với đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án đang làm thủ tục, tiến hành các bước đầu tư.
23 vị trí cần ưu tiên kết nối giữa Long An và TP.HCM
Long An được ưu ái khi sở hữu vị trí trọng điểm là cửa ngõ giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, liên kết cảng biển và biên giới giao thương với Vương quốc Campuchia… tạo ra lợi thế lớn của tỉnh Long An so với các tỉnh vùng ĐBSCL về thu hút đầu tư thời gian qua.
Việc xây dựng hoàn thiện như Đường tỉnh (ĐT) 823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B… tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Các tuyến đường này hầu hết kết nối các khu, cụm công nghiệp, các đô thị mới hình thành trên địa bàn tỉnh với TP.HCM. Đặc biệt, tuyến ĐT830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, kết nối các khu, cụm công nghiệp đến hệ thống cảng biển và kết nối với TP.HCM đã cơ bản hoàn chỉnh đi vào hoạt động, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương.
Tuy nhiên theo đánh giá chung của ngành giao thông vận tải Long An và TP.HCM, các tuyến đường hiện hữu, giáp ranh với TP.HCM hiện nay đều có quy mô cấp thấp, mặt cắt ngang hẹp, thiếu đồng bộ giữa hai địa phương. Do vậy, việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường này là cấp thiết.
Đồng thời, các trục kết nối giữa hai địa phương khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông từ các huyện giáp ranh Long An đến TP.HCM, giải quyết hiệu quả tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên các trục giao thông chính hướng tâm vào trung tâm TP.HCM.
Được biết, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đã ưu tiên đầu tư năm dự án kết nối liên vùng với tổng số vốn gần 44.000 tỷ đồng. Trong đó có bốn dự án kết nối với Long An và một dự án kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Long An đón đầu thu hút đầu tư.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Long An đã có nhiều buổi làm việc, rà soát và thống nhất đưa ra 23 vị trí kết nối đặc biệt quan trọng cần được xem xét ưu tiên đầu tư giữa hai địa phương. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai các dự án như: đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) kết nối với ĐT824 (huyện Đức Hòa), dự án quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc, dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc), đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) - ĐT826C (huyện Cần Giuộc)…