Long An: Huy động nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh việc rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… UBND tỉnh Long An cần đẩy mạnh huy động thêm các nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội.
Có nhiều nguyên nhân khiến dự án nhà ở xã hội ngày càng teo tóp.

Có nhiều nguyên nhân khiến dự án nhà ở xã hội ngày càng teo tóp.

“Teo tóp” nhà ở xã hội

Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về việc thực hiện dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Long An từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021. UBND tỉnh Long An đã không ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hàng năm (giai đoạn 2016-2020). Bên cạnh đó, việc xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch tỷ lệ chi tiết đô thị 1/500 tại 50 đồ án còn nhiều thiếu sót.

Cụ thể, trong tổng số 50 đồ án quy hoạch chi tiết đô thị, có 32/50 dự án không thuộc khu vực đô thị loại III trở lên và khu vực được quy hoạch là đô thị loại III, hoặc được phê duyệt quy hoạch trước khi Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 có hiệu lực, nên chủ đầu tư các dự án không phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Còn lại 18/50 đồ án được phê duyệt tại khu vực đô thị là đô thị loại II và khu vực được quy hoạch đô thị loại III. Trong đó, có 11/18 đồ án quy hoạch chi tiết đô thị không xác định diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Đơn cử, tại dự án Khu dân cư - Khu tái định cư Việt Hóa tại TP. Tân An do Công ty TNHH MTV Việt Hóa - Long An thực hiện với tổng diện tích đất hơn 7,2 ha, diện tích đất ở là 3,5 ha… không dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Tương tự là khu đô thị tại thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Gòn và Công ty Phân phối - dịch vụ Saigontel thực hiện, có tổng diện tích hơn 12,3 ha, sau khi dành quỹ đất để phát triển hạ tầng và các công trình công cộng thì diện tích đất ở còn khoảng 5,5 ha, nhưng không có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội...

Chính vì những thiếu sót này mà việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021 của tỉnh Long An không đạt mục tiêu đề ra theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt trước đó.

Cụ thể, chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 có thêm 5.702 căn nhà ở dành cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Long An, trong giai đoạn này, toàn tỉnh chỉ hoàn thành xây dựng mới được 298 căn nhà ở xã hội và 1.283 căn nhà ở cho công nhân, tổng số thực hiện là 1.581/5.702 căn, tỷ lệ đạt 27,7% theo chương trình đã duyệt.

Chưa hết, kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021 tại Long An là đầu tư xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích 150.000 m2 sàn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Long An, thực tế, năm 2021 không có nhà ở xã hội hoàn thành và bàn giao xây dựng đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Cần huy động thêm nguồn lực

Chia sẻ tại Chương trình Đối thoại lần thứ 5 của Thường trực HĐND tỉnh mới đây về chủ đề “Giải pháp phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Mai Văn Nhiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân lao động.

Cùng với đó, đẩy mạnh huy động thêm các nguồn lực ngoài xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội cần đầu tư; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, khởi công một số dự án nhà ở cho công nhân, người lao động ở những vị trí thuận lợi, xung quanh các khu vực sản xuất, khu công nghiệp, bảo đảm đồng bộ với hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực thực hiện dự án, có giá thành phù hợp, để người lao động dễ tiếp cận.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị khẩn trương rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển nhà ở xã hội để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Phối hợp triển khai đầu tư thiết chế công đoàn theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đề nghị chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động tích cực tham gia thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân ngay tại đơn vị mình kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân có chỗ ở ổn định.

Tin bài liên quan