Đổi chủ trương đầu tư sau 15 năm “treo” dự án
Đây là trường hợp xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp và khu tái định cư Nam Hoa (xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc) do Công ty cổ phần Đầu tư Khu Công nghiệp Nam Hoa làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2003, UBND tỉnh Long An có chủ trương quy hoạch Cụm công nghiệp và khu dân cư gần 280 ha tại ấp Hòa Thuận 1 và Hòa Thuận 2 (xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc). Để thực hiện dự án này, có 572 hộ dân trong vùng dự án bị giải tỏa, di dời.
Đến tháng 5/2007, tức là gần 5 năm sau, UBND tỉnh Long An mới ban hành Văn bản số 2372/UBND-KT chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh đầu tư dự án cụm công nghiệp tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc.
Sau đó, UBND tỉnh Long An tiếp tục ban hành Văn bản số 4943/UBND-KT chấp thuận cho Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh điều chỉnh mục đích đầu tư phần diện tích 28,5 ha trong tổng số 280 ha của Cụm công nghiệp để đầu tư dự án khu tái định cư. Đồng thời, đưa ra phương án giá đền bù và chi tạm ứng tiền cho các hộ dân bị giải tỏa, di dời.
Theo phương án đền bù, mỗi 1 ha bị thu hồi, chủ đầu tư sẽ tạm ứng tiền bồi thường cho người dân là 250 triệu đồng. Có 486 hộ nhận tạm ứng tiền bồi thường, với số tiền hơn 60,5 tỷ đồng, còn lại 86 hộ không nhận tiền tạm ứng.
Tuy nhiên, 1 năm sau kể từ khi Công ty Tân Đức Mạnh trả tiền tạm ứng cho người dân, ngày 26/8/2009, UBND tỉnh Long An có Văn bản số 2812/UBND-KT về việc chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh sang Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Nam Hoa.
15 năm bỏ hoang ruộng đất, khi dự án bị thu hồi người dân mới được tiếp tục sử dụng
Tuy nhiên, sau khi dự án được đổi chủ, Công ty cổ phần Đầu tư Khu Công nghiệp Nam Hoa vẫn chậm triển khai dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Cụm công nghiệp và tái định cư Nam Hoa. Sau khi chấm dứt hoạt động cụm công nghiệp và khu tái định cư, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào dự án này.
Sau gần 15 năm dự án “trùm mền”, ngày 30/6/2018, người dân xã Trường Bình sững sờ khi UBND huyện Cần Giuộc tổ chức họp dân trong vùng Dự án để công bố “hủy quyết định thu hồi đất của dân để làm dự án Cụm công nghiệp” và yêu cầu trả lại tiền tạm ứng mà chủ đầu tư đã đặt cọc trước đó mới được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về.
Đặc biệt, sau khi công bố hủy quyết định thực hiện Dự án Cụm công nghiệp không lâu, dự án này lại được UBND rỉnh Long An thay đổi chủ trương đầu tư, tách ra thành 3 dự án dân cư, tái định cư, thương mại - dịch vụ giao cho 2 chủ đầu tư khác nhau thực hiện.
Cụ thể, “Dự án Dân cư, Tái định cư, Thương mại - dịch vụ” được giao cho Công ty cổ phần Phát triển Đông Sài Gòn (diện tích 92,6 ha); “2 Dự án Dân cư, Thương mại - Dịch vụ” giao cho Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Ánh Sáng - Đô thị làm chủ đầu tư (khu vực diện tích 90,7 ha và khu vực diện tích 97,8ha).
Chuyện cười ra nước mắt
Việc thu hồi dự án và thay đổi chủ trương đầu tư là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng việc chính quyền địa phương lại “thay mặt” chủ đầu tư để đòi tiền đã tạm ứng cho người dân khi thay đổi chủ trương đầu tư lại là chuyện chưa ai nghĩ đến.
Trước yêu cầu này, người dân cho rằng họ đang bị “ép”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều người dân trong khu vực bức xúc cho rằng, thời gian từ khi quy hoạch đến lúc xóa dự án kéo dài 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, nhà cửa cũ nát cũng không được sửa chữa, đất đai, ruộng vườn không được sản xuất hay mua bán… đã xuống cấp, hư hỏng rất nhiều.
“Chủ đầu tư đã chi tạm ứng tiền cho người dân cũng giống như đặt cọc tiền mua đất để làm dự án. Chủ đầu tư đã chậm triển khai thực hiện dự án 15 năm, nay tuyên bố xóa dự án này là họ đã vi phạm ‘hợp đồng’. Họ phải chịu mất tiền cọc, hoặc nếu có trả thì phải kê biên thiệt hại mà người dân đã chịu trong suốt những năm qua”, ông Trương Văn Bảy, một người dân trong vùng dự án nói.
Chỉ tay về phía ngôi nhà đã bị đổ nát do không được tu sửa, ông Bảy bức xúc: “Đây là ngôi nhà do bố mẹ tôi để lại, nhưng vì nằm trong diện giải tỏa nên không thể sửa chữa, đến bây giờ thì ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn. Vì sao chính quyền địa phương thu lại số tiền mà chủ đầu tư đã đặt cọc từ trước, mà không nghĩ đến thiệt hại khi người dân phải chịu đựng suốt nhiều năm?”.
Tương tự, ông Lê Văn Thanh Nhàn (ấp Hòa Thuận 2) cũng bất bình không kém khi phản ánh với phóng viên câu chuyện trớ trêu này. Theo ông Nhàn, gia đình ông bị thu hồi trên 5.000 m2 đất nông nghiệp và nhận được tạm ứng tiền 125 triệu đồng. Theo nhẩm tính của ông Nhàn, trước đây ông làm lúa 2 vụ/năm, 1 công kiếm lời cũng khoảng 10 triệu đồng, 5 công là 50 triệu đồng.
“Đã hơn 10 năm nay đất bị bỏ không vì dự án treo, vậy phần thiệt hại này không ai bồi thường cho dân cả. Vậy mà bây giờ chính quyền địa phương còn thay mặt chủ đầu tư bắt dân trả lại tiền tạm ứng. Trong khi đó, những cuộc họp thì không thấy xuất hiện chủ đầu tư đâu”, ông Nhàn bất bình.
Cũng theo ông Nhàn, rất nhiều người dân ban đầu không muốn nhận ứng tiền nhưng vì tin và nghe lời vận động của chính quyền địa phương. “Vì chúng tôi không có nhu cầu và không muốn tiền bồi thường bị chia ra nhiều lần, và khi đã tạm ứng tiền thì xem như tiền đặt cọc nên không được quyền thương lượng với chủ đầu tư. Chưa kể, nếu như những người nào không đủ điều kiện trả lại tiền tạm ứng thì cuối cùng trở thành món nợ truyền kiếp chưa biết khi nào trả được”, ông Nhàn nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi rrường tỉnh Long An cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực thi hành các quyết định thu hồi đất tổng thể trước đây, Sở có văn bản xin ý kiến Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn hoàn trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Sau đó, ngày 18/1/2019, Tổng cục Quản lý đất đai có ý kiến hướng dẫn giải quyết là đề nghị UBND huyện Cần Giuộc chỉ đạo tổ chức thông báo, tuyên truyền tới người dân để thống nhất giải quyết theo hướng vận động người dân hoàn trả số tiền đã nhận tạm ứng và trả lại giấy chứng nhận cho người dân, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và cho người dân đang đang bị tạm giữ giấy chứng nhận. Việc thu hồi này một phần cũng muốn giữ gìn môi trường đầu tư của tỉnh.
Thực tế, việc muốn giữ gìn môi trường và thu hút đầu tư của tỉnh là không sai. Tuy nhiên, cách xử lý của địa phương vẫn chưa tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cuộc sống mưu sinh của họ cũng bị “treo” theo dự án trong một thời gian rất dài.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com